80% Giống Rau Lai Của Việt Nam Phải Nhập Khẩu

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện nay diện tích trồng rau của cả nước vào khoảng 780 nghìn ha với năng suất bình quân 165 tạ/ha, đạt giá trị 650 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% GDP của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các giống rau lai F1 phải nhập khẩu từ nước ngoài. Giá thành hạt giống cao, chất lượng giống bấp bênh đã ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân.
Phần lớn rau canh tác tại thôn Đồng Xuyên, xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội được nông dân mua giống có nguồn gốc từ nước ngoài. Theo nhiều bà con nông dân, so với cùng kỳ năm ngoái, giá hạt giống rau nhập đã tăng gấp đôi.
Bà Nguyễn Thị Nhị, một người trồng rau lâu năm ở thôn Đồng Xuyên chia sẻ: “Năm ngoái giá rau giống còn 500 nghìn một lạng, năm nay đã lên tới 1 triệu đồng, rồi 1 triệu ba nhưng chúng tôi cũng không chủ động được giống nên toàn phải tự mua giống bên ngoài.”
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Hợp tác xã rau Đặng Xá cho biết, do giống nhập cho năng suất cao, kháng được sâu bệnh nên nhiều năm nay, bà con nông dân chủ yếu canh tác giống rau ngoại nhập.
Bà Nguyễn Thị Lơi, Phó Chủ nhiệm HTX rau Đặng Xá cho biết: “Chỉ một số loại cải nông dân để giống được, còn những giống cao cấp, ví dụ như cà chua Nhật, cà chua Mỹ, bắp cài Nhật, đu đủ Đài Loan. Tôi thấy là những giống có năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh thì là giống của nước ngoài.”
Tình trạng nông dân phải mua rau giống của nước ngoài không chỉ ở vùng rau xã Đặng Xá mà còn xảy ra ở hầu hết các vùng trồng rau hàng hóa trên cả nước. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Rau quả , hiện nay khoảng 70-75% diện tích rau của cả nước là canh tác các giống lai F1. Trong đó, tới 90-95% các giống này phải nhập khẩu từ nước ngoài.
GS-TS Trần Khắc Thi, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả cho biết: “Phần lớn giống rau lai F1 là chúng ta nhập từ nước ngoài, còn số giống lai F1 mà chúng ta tự sản xuất là rất thấp. Một khó khăn là tạo giống lai trong nước chưa có chất lượng cao so bằng với giống rau lai F1 của nước ngoài.”
Theo quy hoạch phát triển rau quả của Bộ NN&PTNT đến năm 2015 diện tích rau của cả nước đạt 900 nghìn ha tăng 15,4% và đến năm 2020 diện tích đạt là 1200 ha tăng gần 54% so với hiện nay. Theo các chuyên gia, là một nước sản xuất nông nghiệp với các mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, sản xuất hàng hóa và xuất khẩu rau quả thì việc phải nhập phần lớn rau giống là điều khó có thể chấp nhận được.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày cuối tháng 7, các vùng quê huyện Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) đang vào mùa thu hoạch bơ. Nông dân rất phấn khởi vì vụ bơ năm nay được mùa, cho thu nhập cao.

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã nuôi thả 15.567ha, trong đó nuôi nội đồng 9.410ha, nuôi mặn lợ 6.159ha.

Ngành chăn nuôi tỉnh Hà Nam hiện có tổng đàn khoảng hơn bốn triệu con gia cầm và 450 nghìn con lợn; hơn 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất hàng triệu tấn/năm. Ðể chăn nuôi có hiệu quả, mới đây UBND tỉnh Hà Nam đã có chủ trương thực hiện mô hình cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm đến tận các hộ chăn nuôi với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN và PTNT) Hà Nam, bước đầu mang lại nhiều lợi ích.