Prices / Tin thủy sản

5 mô hình nuôi tôm hiệu quả tại Long An

5 mô hình nuôi tôm hiệu quả tại Long An
Author: Phạm Phú Hùng - Trung tâm Khuyến nông Long An
Publish date: Monday. June 12th, 2017

Các mô hình mang lại hiệu quả giúp thay thế cho hình thức nuôi tôm truyền thống vốn có năng suất thấp, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.

Nuôi kết hợp, luân canh tôm sú - tôm càng xanh được nhiều địa phương áp dụng đạt hiệu quả cao     Ảnh: Trần Út 

1. Nuôi đa cấp

- Người nuôi chuẩn bị riêng ao ương tôm giống khoảng thời gian 30 - 40 ngày. Sau đó chọn lọc, loại bỏ những tôm còi và tiến hành bố trí sang ao nuôi thương phẩm chính thức. Tuy nhiên, cần lưu ý phương pháp thu và vận chuyển tôm giống để hạn chế tình trạng bị stress khi san ao.

- Ưu điểm: Chủ động được mật độ thả nuôi, chọn lọc giống tốt, rút ngắn thời gian nuôi và giảm thiểu được mức độ ô nhiễm. Ngoài ra, khi nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ khoảng 100 con/m2, có thể tiến hành thu tỉa 50% số lượng ở giai đoạn 75 - 90 ngày để bán “tôm ôxy” cho tiêu thụ nội địa. Sau đó, tiếp tục nuôi số lượng còn lại để đạt size lớn, đạt yêu cầu xuất khẩu.

2. Nuôi bằng nguồn nước giếng khoan tầng nông, độ mặn thấp

- Một số vùng khi khoan ở độ sâu 30 - 50 m thì nguồn nước tầng nông này có độ mặn 5 - 8‰; độ kiềm khoảng 150 - 200 mg/l; pH: 6,0 - 6,5.

- Cấp nguồn nước giếng tầng nông vào 1 ao nhỏ trong thời gian khoảng 10 - 14 ngày, lắng lọc tự nhiên để giảm bớt hàm lượng kim loại nặng, gia tăng khả năng khuyếch tán ôxy vào trong nước.

- Sau đó cấp vào ao lắng và tiến hành xử lý:

+ Vôi, Dolomite để nâng độ pH

+ EDTA để xử lý giảm hàm lượng kim loại nặng

+ Diệt khuẩn

+ Gây màu nước

+ Cấp nước vào ao nuôi: Nên cấp bổ sung thêm 30% lượng nước ngọt để góp phần giảm độ kiềm, độ cứng của nước.

- Tôm giống phải được chọn lọc, thuần dưỡng hạ độ mặn, đạt kích cỡ trước khi thả nuôi.

- Ưu điểm: Chủ động mùa vụ nuôi để được giá bán cao; hạn chế ô nhiễm, mầm bệnh từ hệ thống kênh, rạch ra tự nhiên.

3. Tái sử dụng nước cũ

- Trước tình hình ô nhiễm công nghiệp và ô nhiễm sinh hoạt, đô thị ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản. Nhiều trường hợp khi cấp nước trực tiếp vào ao nuôi thì tôm có hiện tượng bị ngộ độc, bị sốc do hàm lượng độc tố trong nước quá cao. Ý tưởng tái sử dụng nước đã được thử nghiệm và thực tế đang được áp dụng tương đối đạt kết quả tốt tại Long An.

Cụ thể:

- Khi thu hoạch tôm, tái sử dụng 2/3 lượng nước tầng mặt và tầng giữa được giữ lại, cấp sang ao khác qua hệ thống túi lọc, cấp thêm nước mới từ bên ngoài (khoảng 20 - 30%)

- Tiến hành xử lý diệt khuẩn mạnh trong thời gian tối thiểu là 30 ngày (Liều lượng gấp 2 - 3 lần theo hướng dẫn của nhà sản xuất)

- Trước khi sử dụng nguồn nước này cho vụ nuôi tiếp theo, tiến hành xử lý đúng theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn. Kiểm tra chất lượng, màu nước ổn định và cấp vào ao nuôi.

- Chọn giống tốt và tiếp tục thả nuôi.

4. Nuôi kết hợp + luân canh tôm sú - tôm càng xanh

Trước đây, sau khi thu hoạch tôm sú, tôm thẻ chân trắng tiến hành vệ sinh, cải tạo ao để tiếp tục nuôi 1 vụ tôm càng xanh bằng nguồn giống nhân tạo. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển chọn tôm càng xanh bố mẹ trong tự nhiên dễ dàng, chọn các vùng có độ mặn 10 - 15‰ là có khả năng tự sản xuất tôm càng xanh giống để đáp ứng nhu cầu nuôi tại nông hộ.

Cụ thể:

- Các ao được thiết kế, xây dựng và cải tạo như ao nuôi chuyên tôm hoặc nuôi theo mô hình tôm - lúa.

- Nguồn nước cấp vào ao qua hệ thống lắng, lọc nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các loài giáp xác, cá dữ và ấu trùng của chúng vào ao.

- Sau khi tiến hành các khâu xử lý nguồn nước đạt yêu cầu phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của ấu trùng tôm càng xanh thì tiến hành lựa chọn tôm càng xanh bố mẹ ngoài tự nhiên đang ôm trứng ở giai đoạn IV thả vào ao nuôi (Số lượng từ 30 - 50 cặp bố mẹ đáp ứng cho 1 ao nuôi, diện tích 5.000 m2).

- Tốt nhất nên bố trí tôm càng xanh bố mẹ sinh sản trong ao lắng, dễ chăm sóc, quản lý và chủ động mật độ khi thả vào ao nuôi (1 - 2 con/m2).

- Số trứng này sẽ nở và phát triển trong ao, Sau thời gian 35 - 45 ngày trở thành nguồn giống tự nhiên để nuôi thương phẩm.

- Năng suất đạt 200 - 400 kg/ha; Lợi nhuận ổn định từ tôm càng xanh là 30 - 50 triệu đồng/ha.

Mô hình này phù hợp với những vùng nuôi có độ mặn dao động theo mùa lớn. Thời điểm độ mặn đạt cao (10 - 15‰) thì tiến hành thả giống bố mẹ. Trong quá trình ương nuôi, độ mặn giảm dần sự thích ứng và quá trình phát triển của ấu trùng. Đến giai đoạn giống lớn, nguồn nước trong ao có độ mặn rất thấp hoặc ngọt hóa hoàn toàn rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm càng xanh và đặc biệt thích hợp cho mô hình tôm - lúa.

5. Nuôi ghép cá rô phi

Mô hình nuôi có quản lý (nuôi lồng hoặc sử dụng lưới bao ở khu vực trung tâm) trong ao tôm cũng là một biện pháp sinh học mang lại hiệu quả tốt; Sử dụng trùn quế làm thức ăn bổ sung góp phần ổn định đường ruột, tăng trưởng tốt, giảm hệ số thức ăn đang được áp dụng tại Long An.


Related news

Tương lai cho nuôi tôm trên cát Tương lai cho nuôi tôm trên cát

Vùng duyên hải miền Trung được đánh giá rất tiềm năng cho nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển hiệu quả như mong muốn cần rất nhiều yếu tố

Monday. June 12th, 2017
Quảng Ninh: Nhiều giải pháp phát triển thủy sản Quảng Ninh: Nhiều giải pháp phát triển thủy sản

Với gần 100.000 ha mặt nước và bãi triều có thể nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, theo tính toán, hiện Quảng Ninh mới chỉ sử dụng khoảng 1/5 tổng diện tích này.

Monday. June 12th, 2017
Điều kiện xuất khẩu tôm vào Australia Điều kiện xuất khẩu tôm vào Australia

Bộ Nông nghiệp nước này đã đưa ra các yêu cầu đối với mặt hàng tôm chưa nấu chín và thịt tôm chưa nấu chín đã tẩm ướp.

Monday. June 12th, 2017