Giá / Tin thủy sản

24 năm miệt mài nuôi tôm sạch

24 năm miệt mài nuôi tôm sạch
Tác giả: Hữu Đức - Hoàng Vũ
Ngày đăng: 07/01/2020

Ở vùng nuôi tôm trọng điểm tỉnh Sóc Trăng, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex-VN) là một trong số ít DN chế biến tôm xuất khẩu mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mới - hình thành vùng nuôi tôm sạch hàng trăm hecta đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC và BAP.

Kiểm soát, giám sát chất lượng nước bảo đảm sức khỏe tôm nuôi.

Vùng nuôi rộng lớn đạt chuẩn quốc tế

Ở bên bờ biển xanh thẳm, mát mẻ, mênh mông. Chọn vị trí đắc địa có nguồn nước, môi trường trong lành, sau 8 năm Sao Ta đã định hình một vùng nuôi tôm rộng lớn, hàng trăm ao nuôi tôm như đan tay, liền kề.

Suốt 24 năm hoạt động tạo dựng uy tín thương hiệu tôm Fimex-VN trên thị trường tôm xuất khẩu, Sao Ta đã hoạch định hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh đúng hướng. Đi từ chế biến tôm đông đến nâng cao kỹ thuật chế biến sâu, mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đa dạng sản phẩm tôm bán vào các hệ thống phân phối lớn, phân khúc thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Mỹ… Sao Ta trở thành một trong những DN xuất khẩu tôm hàng đầu ở vùng ĐBSCL, tiêu biểu về hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh và đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Nhận định xu hướng tiêu dùng thực phẩm chế biến trên thế giới ngày một đòi hỏi nghiêm ngặt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) và truy xuất nguồn gốc, từ năm 2011 Sao Ta bắt đầu thực hiện bước chuyển tiếp đầu tư vào lĩnh vực mới, xây dựng vùng nuôi tôm chuyên biệt và xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm sạch theo chuẩn quốc tế.

Công ty Sao Ta chọn vị trí xây dựng trại nuôi tôm Tân Nam ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu gần biển. Từ cuối năm 2011, Sao Ta bắt đầu đi học hỏi nuôi tôm các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và các tỉnh miền Trung nước ta. Năm 2012 tiến hành nuôi thử nghiệm trên 5ha, sang năm 2013 trại Tân Nam từng bước mở rộng vùng nuôi quy mô lớn và phát triển đến nay khoảng 270ha, vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Giữa công nghiệp chế biến và nuôi trồng thủy sản là hai lĩnh vực gần như có sự khác biệt từ quản lý đến kỹ thuật công nghệ, do các yếu tố đặc thù chuyên biệt. Trong nuôi tôm công nghiệp, nuôi thâm canh với mật độ cao chịu nhiều yếu tố tác động ngoại biên, thời vụ. Theo dõi thường xuyên dự báo thời tiết: Nước, gió, nắng, mưa và công tác quan trắc, giám sát môi trường. Tuy nhiên nhờ ứng dụng tối đa thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ, trại tôm Tân Nam của Sao Ta đã từng bước hình thành quy trình nuôi tôm tương đối hoàn chỉnh.  

Giăng lưới chống chim toàn bộ ao lắng

Năm nay dịch bệnh vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng bùng phát trên cả 3 vùng nuôi tôm lớn của thế giới ở các nước ASEAN, Trung Mỹ và Ấn Độ. Bệnh EHP hiện gần như bất trị, dịch bệnh đã gây thiệt hại nhiều diện tích ao nuôi tôm và do không điều trị dứt đã chuyển sang nhiễm nặng hơn khiến người nuôi tôm khốn đốn. Đây là nguyên do khiến cho không ít hộ nuôi tôm ĐBSCL lo ngại rủi ro, không dám thả nuôi tôm vụ 2.

Trước tình hình dịch bệnh như vậy, trại tôm Tân Nam áp dụng các giải pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh bằng cách giăng lưới chống chim cho toàn bộ ao lắng, kinh dẫn nước, ao trữ nước thải, kinh thải, tốn thêm chi phí gần 400 triệu đồng nhưng hiệu quả. Nhờ có lưới ngăn chim, kiểm nghiệm các ao xa nhất thường bị dịch bệnh (do ban đêm cò, vạc thường bay đến bắt tôm) kết quả đã giảm thiểu đáng kể.

Trong số một vài ao tôm bị nhiễm virus đốm trắng, xử lý bằng clorine tiêu hủy và dùng vôi khử trùng quanh ao. Biện pháp này tuy thiệt hại một vài ao, nhưng ngay từ đầu ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang nhiều ao khác.

Các kỹ thuật viên trại tôm Tân Nam cho rằng: Thông thường vụ 2 thả tôm thường gặp thời tiết bất lợi, do mùa mưa dễ sinh dịch bệnh. Tại trại nuôi tôm đã chủ động ứng phó, bằng cách tự sản xuất vi sinh để làm sạch đáy ao.

Đây là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao nuôi luôn sạch, tiết kiệm được năng lượng, tăng ô xy hòa tan, tăng khả năng tiêu hóa cho tôm, đồng thời đảm bảo cấp đủ nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi. Mặt khác, biện pháp an toàn sinh học được áp dụng triệt để trong hệ thống ao nuôi. Công nhân nuôi tôm chỉ được đi lại trong khu vực ao nuôi của mình phụ trách, nhất là hạn chế tối đa ra vào trại trong giai đoạn tôm 30 - 45 ngày tuổi được xem là nhạy cảm với dịch bệnh.

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trong nuôi tôm tối ưu hóa hiệu quả quá trình nuôi. Sao Ta đầu tư phòng nghiên cứu bệnh tôm, phòng Lab phân tích bệnh học, phân tích, giám sát các chỉ số nước, áp dụng qui trình kỹ thuật ghi chép sổ tay: Từ chương trình quản lý tôm giống đầu vào, quản lý nước cấp - ao nuôi - ao lắng lọc và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, chương trình quản lý dịch bệnh đến an ninh sinh học, qui trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch… Các kỹ sư thủy sản trại tôm Tân Nam cho biết đã tự lực. Còn một số việc lớn hơn như kiểm tra dư lượng một số hóa chất phải nhờ đến các đơn vị chuyên môn.  

Hình thành chuỗi sản xuất

Kết thúc vụ 1 nuôi tôm đầu năm nay trúng mùa, đạt năng suất cao, tỷ lệ tôm đạt đầu con trên 90% (trong khi trung bình chỉ cần đạt 70% là người nuôi tôm xem như thắng lợi).

Hiện nay trại tôm Tân Nam thu hoạch vụ 2 đạt thêm 1.500 tấn tôm tươi, do dịch bệnh đã được dập tắt và mức thiệt hại chỉ khoảng 15% số ao nuôi. Thành công của Tân Nam trong các vụ nuôi vừa qua đạt tiêu chuẩn chứng nhận ASC và BAP là nhờ sử dụng quy trình nuôi riêng và đặc biệt là luôn thả nuôi đúng thời vụ theo thực tế thời tiết của vùng nuôi.

Sao Ta đang thực hiện chuỗi giá trị nuôi tôm - tôm sạch từ vùng nuôi đến bàn ăn đều được kiểm soát chặt chẽ. Sao Ta công bố tiêu chí sản phẩm là “Chất lượng, tiện ích, truy xuất, bền vững”. TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh: Đó chính là thông điệp Sao Ta muốn truyền đạt tới người tiêu dùng thông qua hình ảnh thương hiệu của mình.

Ao nuôi tôm SẠCH là đáp ứng tất cả thị trường, mỗi khi khách hàng đến tham quan ao nuôi càng có thêm niềm tin vào sản phẩm của Sao Ta. Bên cạnh việc hình thành vùng nuôi đạt tiêu chuẩn Sao Ta còn chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện liên kết với các HTX nuôi thủy sản và tổ chức thu mua đến tận ao để đảm bảo tôm có độ tươi, sạch. Thông qua các biện pháp kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu đến chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP xuất khẩu.

Vào đầu năm 2020 trại tôm Tân Nam sẽ hoàn chỉnh hệ thống khoảng 400 ao nuôi có mã số, định vị vùng nuôi đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chủ động đáp ứng nguyên liệu chuẩn mực đạt 30% cho các nhà máy chế biến của công ty Sao Ta.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đứng trong top 3 các nhà xuất khẩu tôm Việt, với 99% sản phẩm Sao Ta là hàng tinh chế với chất lượng cạnh tranh, không thua kém bất kỳ DN nào. Sao Ta đang hướng đến nâng cao tỉ suất lợi nhuận thông qua việc củng cố xây dựng thương hiệu, sản phẩm vào các hệ thống cao cấp.


Có thể bạn quan tâm

Diễn biến và xử lý ao tôm trong và sau những cơn mưa lớn Diễn biến và xử lý ao tôm trong và sau những cơn mưa lớn

Người nuôi tôm có xu hướng cho ăn quá nhiều trong thời kỳ mưa vì khay ăn có thể cho thấy thức ăn đang được tiêu thụ nhiều hơn

07/01/2020
Cân nhắc khó khăn khi nuôi cá mùa lạnh Cân nhắc khó khăn khi nuôi cá mùa lạnh

Cuối năm là thời gian khó khăn nhất trong nuôi trồng thủy sản, khi nhiệt độ hạ thấp là yếu tố mang lại nhiều bất lợi cho người và vật nuôi.

07/01/2020
Tương lai của ngành thủy sản từ trí tuệ nhân tạo Tương lai của ngành thủy sản từ trí tuệ nhân tạo

Vài năm trước, công nghệ đám mây xuất hiện, tiếp đến là Internet vạn vật và nay là công nghệ blockchain trở thành tâm điểm.

07/01/2020