Giá / Tin nông nghiệp

2 ngày khai sáng chăn nuôi bò sữa

2 ngày khai sáng chăn nuôi bò sữa
Tác giả: Duy Hậu
Ngày đăng: 30/09/2016

Cùng với việc đánh giá thực trạng, tìm giải pháp cho tương lai ngành bò sữa Việt Nam, các chuyên gia Đức chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc chọn, lai tạo giống, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò sữa, cách thức vắt sữa tối ưu...

Trong ảnh: Nông dân thảo luận, đặt câu hỏi với các chuyên gia. Ảnh: D.H

Điểm yếu từ quy mô nhỏ lẻ

Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN cho biết, so với thế giới, ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam còn khá non trẻ. Hiện tổng đàn bò sữa của cả nước có trên 275.000 con, sản lượng sữa hàng năm đạt hơn 723.000 tấn. Ngoài một số doanh nghiệp chăn nuôi với quy mô lớn, hầu hết đàn bò sữa của Việt Nam phân tán nhỏ lẻ tại các trang trại gia đình. Trong khi đó, ND vẫn còn thiếu nhiều kiến thức chăn nuôi, quản lý dịch bệnh; việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi còn hạn chế, chưa kể các khó khăn trong việc bị động nguồn thức ăn, thiếu vốn, đất đai… nên khó phát triển đàn bò sữa với quy mô lớn.

10 giải pháp phát triển ngành bò sữa

Về giải pháp cho ngành bò sữa Việt Nam trong tương lai, các đại biểu thống nhất đưa ra 10 nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đối với ngành chăn  nuôi bò sữa, giống, thức ăn, thuốc thú y, dịch bệnh. Quy định cơ chế liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sữa. Quy hoạch các vùng chăn nuôi bò sữa cụ thể, ổn định để ND mạnh dạn đầu tư.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi được vay vốn, đất trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, đầu tư sản xuất giống, nhập khẩu những giống bò sữa mới có năng suất, chất lượng cao.

Đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng cho thấy, hiện ngành bò sữa ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng được 43% nhu cầu sữa của người tiêu dùng trong nước. Thị trường sữa ở nước ta còn rất lớn, phát triển chăn nuôi bò sữa sẽ không chỉ đáp ứng tốt cho thị trường trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu đi các thị trường xung quanh.

Tuy nhiên, hiện ngành bò sữa Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nguồn giống nhiều năm nay vẫn chưa được cải thiện. Việt Nam chưa có các giống bò sữa cao sản như châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Vì thế, để có giống bò sữa tốt phục vụ chăn nuôi, các công ty, doanh nghiệp đều phải nhập khẩu giống.

Điều này khiến chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành chăn nuôi. Đồng thời, thời tiết khí hậu nóng ẩm không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến vật nuôi mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa khi ra khỏi cơ thể bò. Trong khi đó, người chăn nuôi bò sữa ở nước ta còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm trong việc thu gom và bảo quản sữa tươi trước khi chế biến.

Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn khá phân tán, với khoảng 70-75% tổng đàn do ND chăn nuôi. Vì thế việc kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn sữa gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng sữa không đồng đều...

Nhiều khúc mắc được giải đáp

Tại hội thảo, các đại biểu đã được một số chuyên gia về ngành bò sữa của Đức như tiến sĩ Uwe Clar, tiến sĩ Helmut Born - nguyên Tổng Thư ký Hội ND Đức, tiến sĩ Gruppe (chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Đức) chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật quý báu trong việc phát triển bò sữa. Điển hình như kỹ thuật chăm sóc bê con, cách vỗ bê con thành bò sữa…

Qua việc phân tích đặc điểm sinh lý dạ cỏ của bò sữa, các chuyên gia đã chỉ ra quy trình cho ăn khoa học để đạt được sản lượng và chất lượng sữa tốt nhất. Các chuyên gia Đức cũng chia sẻ, hướng dẫn tỉ mỉ những thông số về kỹ thuật vắt sữa, quy trình vắt sữa; vệ sinh trước khi vắt sữa, quá trình bảo quản sữa sau khi vắt cũng như kỹ thuật làm thế nào để tạo ra điều kiện tối ưu nhất giúp con bò phát triển tốt. Đặc biệt, chia sẻ của ông Otto Lattwesen - một chủ trang trại nông nghiệp ở Đức về công tác tạo giống trong chăn nuôi, thụ tinh nhân tạo cho bò sữa cũng giúp các đại biểu, đặc biệt là các ND đang chăn nuôi bò sữa có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu.

Anh Phạm Văn Hiếu (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, qua 2 ngày hội thảo anh đã có thêm được rất nhiều kiến thức về chăn nuôi bò sữa. Anh Hiếu cho biết: “Tôi vốn là cử nhân kinh tế nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đã quyết định về quê chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa mà tôi có được chủ yếu được cóp nhặt trên mạng internet. Hai ngày qua, từ thông tin của cơ quan chức năng cũng nhưng những chia sẻ của các chuyên gia Đức, tôi đã thực sự được “khai sáng”, vỡ lẽ ra nhiều điều; hiểu được những khó khăn hiện tại của ngành bò sữa nước nhà, nắm được thêm nhiều kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa... Những điều này, trong tương lai sẽ giúp tôi rất nhiều trong việc chăm sóc, phát triển đàn bò sữa của gia đình”. 


Có thể bạn quan tâm

Sự cố Formosa kéo lùi lộ trình nông thôn mới Sự cố Formosa kéo lùi lộ trình nông thôn mới

Sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải không chỉ kéo lùi sự phát triển kinh tế, xã hội ở các xã vùng biển Quảng Bình mà còn khiến lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã thêm gập ghềnh, xa vời.

30/09/2016
Trồng chè sạch, giá tăng gấp ba Trồng chè sạch, giá tăng gấp ba

Từ nhiều năm nay, cây chè xanh đã quá đỗi quen thuộc với người dân thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Để nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè, các hộ dân nơi đây đã cùng nhau liên kết làm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó thu nhập từ cây chè đã được cải thiện rõ rệt.

30/09/2016
Chuyện lạ xứ Nghệ: Bò mẹ cho lợn con bú Chuyện lạ xứ Nghệ: Bò mẹ cho lợn con bú

Những ngày qua, người dân xã Phú Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khá tò mò trước việc một chú lợn con suốt ngày đi theo bò mẹ và được bò mẹ cho bú gần 2 tháng nay.

30/09/2016