1,4 Tỷ Đồng Mua Tin Luồng Cá
Vào một đêm ở Trường Sa, con tàu của thuyền trưởng Võ Lung (xã Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang bật đèn để cá quy tụ. Bạn chài đều ngủ. Ông thuyền trưởng thì ôm bánh lái, tai vểnh lên dò âm thanh lạo xạo từ chiếc máy Icom. “Chỉ cần nghe có cá thu, cá ngừ trên Icom... là mình truy cho tới cùng. Nếu đoán không được thì mua tin” – anh Lung cho biết.
Biển rộng vạn dặm, nhưng cá đi có luồng. Luồng cá ở đâu? Đó là thông tin mà ông thuyền trưởng phải luôn nắm bắt chứ không phải cứ ra giữa biển quăng lưới. Hiện nay nhiều ngư dân đã sắm máy dò ngang. Nhưng thực tế, nếu được ngư dân cung cấp thông tin luồng cá thì vẫn hơn chiếc máy dò ngang trị giá vài trăm triệu.
Xã Bình Chánh (Bình Sơn) có khoảng 85 con tàu, trong đó có nhiều chiếc hành nghề câu mực ở Trường Sa. Đêm đi câu, nếu ngư dân nhìn thấy luồng cá tụ ở những khúc cây trôi nổi thì đó là thông tin cực quý để mang ra bán. Vì đi câu mực thì tàu không có lưới.
Cuộc ngã giá trên máy Icom giữa đêm khuya khoắt. Giá cả được các bên giao kèo. Nếu thống nhất, ngư dân cho ám hiệu, quy ra tọa độ cho tàu lưới rút lao tới. Bởi trên biển, một người nói Icom thì cả ngàn người nghe.
Thuyền trưởng Võ Lung trong năm 2012 đánh bắt đạt sản lượng và bán ra được hơn 7 tỷ đồng tiền cá. Phần bạn được chia từ 150 đến 220 triệu đồng. Đó là thu nhập rất cao so với nghề giã cào mỗi năm chỉ được 50 – 80 triệu. Anh Lung cho biết: “Chỉ tính riêng chi phí để mua luồng cá tôi đã bỏ ra hơn 1,4 tỷ đồng. Nếu bán cá được 100 triệu thì người cung cấp nguồn tin được 30 triệu”.
Xem phim kiếm hiệp, nhiều người chứng kiến những nhân vật có võ lâm cao siêu, úp tai xuống đất nghe tiếng vó ngựa là có thể đoán được binh mã đang từ đâu tới. Ngư dân đánh cá có câu chuyện tương tự.
Một thuyền trưởng trong làng lưới rút kể lại, nghe âm thanh phập phù trên máy Icom nói về luồng cá, hàng ngàn người lắng tai nghe rồi phán đoán tọa độ. “Có ông giỏi lắm, nghe âm thanh trong Icom lúc tròn, lúc méo rồi đoán ra tọa độ, cho tàu tới trúng liền”.
Ông Hùng, một ngư dân ở huyện Bình Sơn cho biết, kể từ khi xuất hiện những ông thuyền trưởng nghe âm thanh, đoán tọa độ, ngư dân sợ quá nên tăng cường bảo mật thông tin bằng cách liên tục đổi tần số hoặc nói ngắn rồi cúp máy.
Phương thức thu thập tin luồng cá có rất nhiều kiểu. Bên cạnh việc mua thì còn phương thức “tình thương mến thương”. Tàu cá cập bến, ông thuyền trưởng bỏ mặc ngư dân chúi đầu làm lụng. Bước lên bờ, thấy các ngư dân tàu khác, ông thuyền trưởng hồ hởi bắt tay liền. Giống như “2 nguyên thủ” gặp nhau, 2 thuyền trưởng hỏi thăm sức khỏe theo kiểu: “Bạn làm ăn được không? Túng lắm hả, nếu vậy thì cầm đỡ ít đồng mà xài”. Trong cuộc chơi, hai bên cung cấp những tọa độ... gần gần điểm cá.
Có ngư dân cao tay hơn thì rủ rê ông thuyền trưởng đi hát karaoke. Trong cuộc vui, ông thuyền trưởng nọ quên béng bí mật và thổ lộ một loạt “thông tin tối mật” của đội tàu. Số tiền hát hò, bia bọt tính ra quá bèo, so với mấy chục tấn cá ở “tọa độ tối mật”.
Related news
Từ những mô hình của Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, những diêm dân ở huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn chỉ quen với việc làm muối nay đã bắt đầu biết nuôi tôm và họ tự tin về những kế hoạch của mình.
Điểm lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhiều người không khỏi giật mình khi các cơ sở tư nhân đang chiếm lĩnh thị trường.
Song công nghiệp hóa sản xuất, chế biến trứng ở châu Á lại chưa phát triển và châu Á lại cũng là nơi bùng phát nhiều nhất trên thế giới về dịch cúm gia cầm, ảnh hưởng đến độ an toàn của sản phẩm trứng.