Xuất Khẩu Thủy Sản Sẽ Gặp Khó Với Quy Định Của Mỹ

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Mỹ sắp tới sẽ bị tác động bởi dự thảo thanh tra thủy sản của chính phủ nước này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu đối với dự thảo thanh tra thủy sản của Mỹ, nhiều khả năng sẽ tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này.
Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo là quy định áp đặt tiêu chuẩn tương đồng, có nghĩa là toàn bộ chuỗi sản xuất cá và chế biến cho đến đóng gói ở Việt Nam đều phải tương đồng với điều kiện ở Mỹ, nếu không Mỹ sẽ không cho phép cá tra nhập khẩu vào thị trường này.
Tại Hội nghị tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM, ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ chú ý theo dõi dự thảo.
Ông Nhân cho biết Việt Nam sẽ phải mất từ 5 tới 7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn tương đương với những nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản Mỹ trước khi có thể nối lại xuất khẩu vào Mỹ. Nói cách khác, thủy sản Việt Nam sẽ không có cơ hội cho thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Theo Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các dự thảo quy định của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ nhằm thực hiện Luật hiện đại hóa An toàn thực phẩm của Mỹ.
Theo nhận định của Vụ hợp tác quốc tế, các quy định mới nằm dưới dạng dự thảo có nhiều khả năng sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, do vậy các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và góp ý cho các dự thảo trên. Dự thảo được thông báo rộng rãi đến các quốc gia thành viên WTO, trong đó có Việt Nam. Thời gian để Việt Nam và các nước khác góp ý sửa đổi những bất hợp lý trong nội dung là trước ngày 27-1- 2014.
Theo Vụ hợp tác quốc tế, hai dự thảo quan trọng nhất là Quy định về chương trình thanh/kiểm tra các nhà cung cấp nước ngoài trong đó cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ trách nhiệm xác định các nhà cung cấp nước ngoài đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm của Mỹ bao gồm cả việc thanh tra cơ sở sản xuất, lấy mẫu và kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, soát xét các hồ sơ an toàn thực phẩm của nhà cung cấp.
Quy định về chương trình tự nguyện cho phép công nhận thanh tra của bên thứ 3 (các cơ quan chứng nhận) có thể tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra sự phù hợp và cấp chứng nhận cho các cơ sở sản xuất ngoại quốc và các sản phẩm thực phẩm.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 134 nước cung cấp thủy sản cho thị trường này, chiếm 5,7% thị phần.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 31.1 là thời hạn cuối để các huyện Thăng Bình, Quế Sơn (Quảng Nam) kết thúc đợt khảo sát, xác định cụ thể diện tích đất có thể chuyển đổi sang trồng cây bông vải với vùng tập trung từ 300 ha trở lên, trên cơ sở đó Sở NN-PTNT để tham mưu UBND tỉnh về thí điểm vùng nguyên liệu bông vải tập trung.

Dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ được triển khai tại Trại thực nghiệm giống thủy sản nước ngọt Hòa Định Đông (Phú Hòa) với số vốn hơn 820 triệu đồng. Sau 24 tháng triển khai, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã sản xuất thành công hơn 47.000 con cá giống và đúc kết ra được các quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ phù hợp với điều kiện ở Phú Yên.

Ba Bể (Bắc Kạn) là một địa phương có thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản cho năng suất cao, tạo ra các loại cá sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với môi trường và khả năng đầu tư thâm canh của người dân trên địa bàn, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi thương phẩm tại huyện Ba Bể theo quy trình GAP bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và mở ra triển vọng trong thực hiện mô hình.

Trên địa bàn vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) hiện có trên 200 hộ thả nuôi gần 76 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 152 ha. Tuy mới vào vụ nuôi nhưng đã có 36 ha bị thiệt hại (24%), với lượng giống thả nuôi hơn 18 triệu con giống. Tôm nuôi bị chết đa phần do nhiễm bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh không có thuốc đặc trị và tôm chết thường ở giai đoạn 25 - 40 ngày tuổi, đã gây thiệt hại nặng người nuôi.

Lâu nay, nhắc đến vú sữa Lò Rèn, người ta nghĩ ngay đến địa danh Vĩnh Kim (xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vậy mà, đi sâu tìm hiểu xuất xứ loại cây này, tuy có nhiều giai thoại nhưng giai thoại nào cũng cho biết vú sữa Lò Rèn không xuất phát từ Vĩnh Kim!