Xã Trung Thành, Tín Hiệu Tích Cực Từ Mô Hình Nhân Giống Lạc L14

Đến xã Trung Thành (Vị Xuyên) những ngày này, trên hầu khắp các cánh đồng, màu xanh của lạc Xuân xen những ruộng ngô trở thành hình ảnh đầy ấn tượng. Vụ Xuân năm nay, toàn xã thực hiện gieo cấy 93 ha lúa, 140 ha ngô, 62,3 ha rau, đậu các loại nhưng có đến 227 ha lạc.
Điều đó cho thấy, lạc trở thành cây trồng chính trong vụ Xuân, được người dân trên địa bàn xã đặt niềm tin thắng lợi vào vụ thu hoạch. Kết quả trên được nhân lên từ một tiền đề vững chắc, đó là sự thành công của mô hình: Sản xuất, nhân giống lạc L14 tại xã Trung Thành – vụ Xuân năm 2013 của Trạm Khuyến nông Vị Xuyên.
Từ những năm 1970 đến nay, cây lạc đã dần khẳng định vị trí quan trọng của mình so với một số cây trồng chính trong vụ Xuân như: Lúa, ngô, rau, đậu trên hầu khắp các cánh đồng của xã Trung Thành.
Với cơ cấu giống chủ yếu là lạc đỏ địa phương và “manh nha” giống lạc L14 cách đây một vài năm, cây lạc tỏ rõ sự thích nghi đặc biệt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giúp nhiều gia đình tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng và phát triển, giống lạc đỏ thường mắc bệnh thối rễ, làm giảm năng suất cây trồng, khiến nhiều nông hộ thất thu. Trước thực tế trên, giống lạc L14 từ mô hình: Sản xuất, nhân giống lạc của Trạm Khuyến nông Vị Xuyên đã “xuống đồng” thay cho giống lạc đỏ, vụ Xuân – khi nhiều diện tích không đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu để trồng lúa vụ 2.
Đến thôn Đồng, màu xanh ngút mắt của những cánh đồng lạc trở thành niềm hy vọng được mùa cho bao nông hộ. Nếu năm 2013, cả thôn chỉ có 4,5 ha lạc thì nay đã tăng 6,5 ha, nâng tổng diện tích lạc của cả thôn lên 11 ha (trong đó, lạc L14 chiếm 9 ha, còn lại là giống lạc đỏ địa phương).
Anh Vương Văn Đương, cán bộ khuyến nông thôn Đồng cho biết: Những năm trước, trên nhiều diện tích lạc Xuân như hiện nay đều trồng lúa nhưng ít cho thu hoạch bởi sâu, bệnh và đặc biệt là nạn ốc bươu vàng phá hoại lúa. Hoặc những diện tích đó được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lạc đỏ thì đây chính là thời điểm lạc bị thối rễ.
Nhưng năm nay, khi trồng giống lạc L14, chúng vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường. Không những vậy, nếu trồng lúa trong một vụ có thể phun thuốc trừ sâu, bệnh hại từ 4-5 lượt nhưng với lạc, có thể chỉ phun 1-2 lượt để trừ bệnh nấm cho cây trồng mà công đầu tư, chăm sóc cũng ít tốn kém hơn so với lúa.
“Đặc biệt, điều khiến chúng tôi tin tưởng vào sự thành công khi chuyển đổi từ trồng lúa, trồng lạc đỏ sang trồng lạc L14 trên đất lúa là có cơ sở khi năm trước, thôn Cuôm kế bên – nơi thực hiện trồng thí điểm 10ha lạc từ mô hình Sản xuất, nhân giống lạc L14 đã mang lại những kết quả khả quan”, anh Đương nhấn mạnh.
Vì qua đánh giá của Trạm Khuyến nông Vị Xuyên cho thấy: Giống lạc L14 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận như chịu hạn, chịu rét, chống chịu sâu, bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của huyện Vị Xuyên nói chung và địa bàn xã Trung Thành nói riêng.
Mô hình trên đã cho năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Bên cạnh đó, chỉ với chi phí đầu tư 38 triệu đồng cho 1ha, người dân đã thu lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha. Không những vậy, cùng thời điểm trên, một số hộ trồng đại trà giống lạc L14 cũng cho năng suất đạt trên 30 tạ/ha.
Trưởng trạm Khuyến nông Vị Xuyên, Cao Thị Thêm cho biết: Mục tiêu của mô hình Sản xuất, nhân giống lạc chính là vận động nhân dân sản xuất và nhân rộng giống lạc L14, thúc đẩy quá trình sản xuất lạc thành vùng hàng hoá tập trung.
Đồng thời, giúp nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, người dân đã nhân rộng giống lạc L14 – sau khi kết thúc mô hình để trồng đại trà và cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt. Đây thực sự là một tín hiệu vui...
Hy vọng, màu xanh ngút mắt của lạc trên hầu khắp các cánh đồng của xã Trung Thành sẽ mang lại mùa lạc no ấm cho bao nông hộ vào vụ thu hoạch tới, để Trung Thành tiến chắc trên lộ trình xây dựng Nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Trước thực trạng khai thác điện sinh hoạt để nuôi tôm thẻ chân trắng, gây hư hỏng nhiều công trình điện hạ thế và các thiết bị điện sinh hoạt của hộ dân, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc họp với lãnh đạo Sở NN&PTNT, Điện Lực Sóc Trăng, lãnh đạo các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung và Tx Vĩnh Châu thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Nơi nào không có lưới điện 3 pha thì không nên nuôi tôm thẻ chân trắng”.

Theo quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11, mục tiêu cụ thể của đề án là duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành thủy sản, đồng thời nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Đồng Tháp, tính đến ngày 31/10/2013 diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 7.325,97 ha, trong đó cá tra: 1.776,71 ha; tôm càng xanh: 1.133 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 358.965,77 tấn, trong đó cá tra: 310.516 tấn; tôm càng xanh: 529,11 tấn.

Người nuôi tôm hùm tại vịnh Vũng Rô đang đứng ngồi không yên khi thời hạn di dời lồng bè nuôi tôm tại đây đã hết, trong khi đó, họ chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.

Ngày 23/11, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thuỷ sản với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.