Lồng Bè Nuôi Tôm Sẽ Ra Khỏi Vũng Rô

Người nuôi tôm hùm tại vịnh Vũng Rô đang đứng ngồi không yên khi thời hạn di dời lồng bè nuôi tôm tại đây đã hết, trong khi đó, họ chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.
Rời vùng nuôi trù phú
Vũng Rô, một vịnh đẹp nằm dưới chân núi Đá Bia, thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Vịnh Vũng Rô là nơi kín gió, nước biển trong, dòng chảy vừa phải, là nơi lý tưởng để tôm hùm phát triển tốt và ít mắc bệnh. Bởi vậy, từ ngày chỉ có một vài lồng nuôi, nay vịnh Vũng Rô đã có gần 9.000 lồng nuôi/366 bè. Tháng 6-2012, UBND tỉnh Phú Yên thông báo vịnh Vũng Rô đã được quy hoạch xây dựng cảng biển tổng hợp chuyên cho sản phẩm dầu, container và yêu cầu các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong vịnh phải dừng việc đầu tư mới và tự tháo dỡ di dời lồng bè, trả lại mặt nước trước tháng 10-2013.
Tôm hùm là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, việc nuôi tôm đòi hỏi điều kiện khắt khe. Để có một vị trí nuôi tôm thích hợp, những người nuôi phải mất một quá trình tìm chỗ khá gian nan. Vịnh Vũng Rô là nơi dừng chân của hàng trăm hộ dân nuôi tôm của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sau nhiều năm tìm kiếm. Ông Bùi Văn Bảy, một người có thâm niên nuôi tôm tại Vũng Rô, nói: “Lệnh thì phải chấp hành. Nhưng khổ là đã 20 năm, người dân gắn bó với nghề nuôi tôm, nay chưa biết xoay xở ra sao. Nuôi tôm có năm được năm mất, nhưng mỗi lần làm là đổ hết gia sản vào bè nuôi. Vì thế, việc di dời phải có lộ trình, để chọn được vị trí di dời đến cho phù hợp với con tôm”.
Tìm nơi dừng chân
Theo các hộ nuôi tôm, nếu buộc phải di dời ngay thì họ chỉ còn cách đưa lồng bè ra các khu vực bãi ngang. Nhưng ở đây, sóng gió quanh năm, đặc biệt vào mùa đông, những cơn sóng cao quá đầu chồm lên thì không có lồng bè nào chịu nổi. Trước tình cảnh đi ở không xong của hơn 400 hộ với gần 700 lao động bằng nghề nuôi tôm hùm tại Vũng Rô, chính quyền huyện Đông Hòa đã có văn bản kiến nghị tỉnh Phú Yên chỉ đạo thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An tiếp nhận lồng bè từ Vũng Rô về. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được các địa phương đồng ý. Tương tự, khoảng 50 hộ dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đang nuôi tôm hùm tại Vũng Rô cũng chưa biết đi về đâu. Từ khi có thông tin phải di dời bè nuôi khỏi Vũng Rô, nhiều hộ dân Khánh Hòa đã lén di dời lồng bè về khu vực nuôi tôm Đầm Môn (vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Nhưng khi về đây họ cũng gặp phải sự ngăn cản của địa phương vì khu vực nuôi ở đây đã quá tải.
Tình cảnh của những người nuôi tôm hùm tại Vũng Rô đang hết sức nan giải và đang rất cần những giải pháp từ chính quyền. Chia sẻ những khó khăn với người nuôi tôm, đầu tháng 11, một lần nữa UBND huyện Đông Hòa lại có tờ trình đề xuất giải pháp. Theo đó, huyện Đông Hòa xin UBND tỉnh Phú Yên cho phép sử dụng tạm thời 150ha mặt nước ở phía Đông vịnh Vũng Rô để sắp xếp 7.229 lồng nuôi trồng thủy sản của 271 hộ dân và một doanh nghiệp trong tỉnh đang nuôi thủy sản ở khu vực Vũng Rô. Tuy nhiên, đề nghị này chưa có hồi âm. Trong khi đó, theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh kiên quyết di dời các lồng bè tại Vũng Rô, vì đã có quy hoạch từ lâu. Dân địa phương nào thì dời lồng bè về lại địa phương đó.
Có thể bạn quan tâm

Chiều ngày 30/01/2015, tại Lô C, đường Số 1, Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến giống cây trồng Trà Vinh. Tham dự lễ khánh thành có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phía Nam), lãnh đạo các sở, ngành tỉnh;

Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.

Những ngày cuối năm âm lịch, nông dân trồng khoai mỡ ở xã Phú Mỹ rất phấn khởi vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, phấn khởi cho biết, anh có 8 công đất trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch được trên 17 tấn khoai. Đợt 1 thu hoạch bán được giá 14.000 đồng/kg, đợt 2 có giá 13.500 đồng/kg, còn đợt 3 vừa mới thu hoạch cách nay mấy ngày bán được giá 10.000 đồng/kg.

Mì chỉ là cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài của nông dân Bình Phước. Nhưng cứ “giáp hạt” là giá cao, vào vụ giá giảm. Năm nay, giá mì lúc vụ chính thì nông dân chỉ hòa vốn, nếu hộ nào không nhổ kịp thì nay lỗ giá và cũng không bán được. “Trồng mì khó có lãi” - ông Nguyễn Anh Nhật ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) với 10 năm trồng mì thở dài.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.