Trồng Xoài GlobalGAP - Vươn Ra Thị Trường Thế Giới

Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới. Bình quân mỗi héc ta trồng xoài cát Chu và xoài cát Hoà Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng.
Hiện nay huyện Cao Lãnh có 3.521 ha xoài, đa phần là xoài cát Chu và xoài Cát Hoà Lộc với sản lượng ước tính khoảng 30.000 tấn/năm. Xoài Cao Lãnh được đánh giá khá cao trên thị trường do hương vị thơm ngọt thanh, màu sắc đẹp, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Sau gần 2 năm thực hiện, hơn 21 ha xoài của 25 hộ thuộc HTX Mỹ Xương đã được Công ty Cafe Control Việt Nam chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang Niu Dilân với diện tích 33,2ha/40 hộ.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: do nông dân quen với tập quán sản xuất cũ, khi triển khai sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện theo quy trình mới kỳ công hơn. Tuy nhiên với sự quyết tâm trong xây dựng nhãn hiệu, nhà vườn phải vừa làm, vừa học hỏi, dần dần quy trình sản xuất thực hiện chuyên nghiệp, được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận.
Ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: trồng xoài cát theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho năng suất cao 10 - 12 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 - đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc. Với diện tích 1,5 ha trồng xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ông Từ Trọng Khôn, xã viên HTX chia sẻ: trồng xoài GlobalGAP vất vả hơn bình thường ở khâu bao trái, nhưng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nhà vườn; nhất là trái xoài có mẫu mã đẹp, bán giá cao, sản phẩm có đầu ra ổn định là nguyện vọng của người nông dân. Với giá thu mua từ 20.000 đồng/kg đối với xoài cát Chu, 50.000 đồng/kg đối với xoài cát Hòa Lộc, nông dân trồng xoài theo GlobalGAP giá bán cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Dũng cho biết thêm, nhiều công ty liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ với HTX, trong đó Công ty Sanatra của Nhật Bản đặt mỗi tuần vài tấn xoài cát Hòa Lộc và yêu cầu cung cấp liên tục trong năm. Tuy nhiên, HTX vẫn chưa có đủ nguồn hàng cung cấp theo đơn các hợp đồng. Hiện HTX đang vận động, hướng dẫn xã viên mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP, sắp xếp lại lịch thời vụ để đảm bảo nguồn cung.
Để khẳng định thương hiệu xoài Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ đạo tổ chức, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản GAP trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Cao Lãnh nói riêng; hỗ trợ huyện mở rộng diện tích sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP; triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng xoài cát tỉnh Đồng Tháp”.
Sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP cho lãi từ 100-200 triệu đồng/ha, theo nguyên tắc: hạn chế sử dụng hoá chất trong quá trình sản xuất, xây dựng nơi trữ, xử lý bao thuốc và rửa dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật, có sổ ghi chép, tổ dịch vụ...
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, việc ứng dụng phương pháp nuôi gà an toàn sinh học dưới tán cây lâu năm ở Bình Phước đã và đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Hình thức này còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm gà sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Cách làm của hộ ông Lê Xuân Tuyến ở ấp 1, xã Minh Lập (Chơn Thành) là ví dụ điển hình.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, họ đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề cấp phép kiểm dịch và nhập khẩu.

Bà con nông dân ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vốn gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu. Bên cạnh việc trồng lúa, hầu hết nông hộ đều có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm 2010 trở về trước, nuôi heo nái và heo thịt quy mô gia trại là thế mạnh ở đây.

Là xã thuần nông, những năm qua xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, toàn xã có 1.699 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập từ chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Vật nuôi cho giá trị thu nhập cao nhất phải kể đến con trâu.

Nằm trong vùng sinh thái có khí hậu đặc thù của Tây Nguyên, lượng mưa trung bình năm đạt 1.600 – 1.800 mm, với diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, đa dạng rất thích hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, việc đưa bò ngoại vào chăn nuôi thử nghiệm tại huyện M’Drak thành công đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành chăn nuôi Dak Lak.