Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Táo Xanh Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Trồng Táo Xanh Theo Tiêu Chuẩn VietGAP
Ngày đăng: 21/04/2013

Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.

Mô hình do Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh triển khai, với sự tham gia của 10 hộ dân ở hai thôn Ninh Quý 1 và Ninh Quý 3. Ngoài việc được hướng dẫn chi tiết quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn của VietGAP, các hộ còn được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp và tập huấn về cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ninh Qúy 3) cho biết: “Tôi tham gia mô hình với diện tích 2 sào, được hướng dẫn thực hiện và ghi chép cụ thể từng thời điểm bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc như thế nào,… Mặc dù tổng chi phí đầu tư có cao và quy trình phức tạp hơn nhưng qua nửa năm thực hiện, tôi thấy cây táo ít sâu bệnh, lượng thuốc phải dùng cũng ít hơn, năng suất táo thì đạt hơn, sạch và an toàn hơn.” Ông Thành cũng cho biết thêm, mặc dù quy trình này khá chặt chẽ nhưng rất dễ làm, không hề khó khăn như mọi người vẫn nghĩ. Các hộ nông dân ngoài mô hình cũng rất quan tâm, học hỏi cách làm mới này. Quy trình sản xuất nông sản theo VietGAP quản lý và đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, thông qua 4 tiêu chuẩn: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Do vậy, sản phẩm đưa ra thị trường không chỉ mang tính an toàn mà còn có khả năng truy nguyên nguồn gốc khi xuất hiện vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xã Phước Sơn hiện có trên 250 ha táo, chiếm hơn ¼ diện tích táo toàn tỉnh nên nếu mô hình này được nhân rộng thì đây sẽ là vùng nguyên liệu táo sạch, hoạt động sản xuất và thu nhập của nông dân sẽ ổn định. Tuy nhiên, vấn đề người trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP đang băn khoăn là đầu ra của sản phẩm. Ông Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Sơn cho biết: Hiện tại, các hộ tham gia mô hình này vẫn tự bán sản phẩm thông qua thương lái trên địa bàn, với giá ngang bằng giá táo loại thường, tức dao động quanh mức 10.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và mẫu mã.

Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ quả táo như nước ép, táo sấy khô, mứt táo, rượu táo,… chưa nhiều. Quả táo xanh Ninh Thuận chủ yếu dùng ăn tươi, sản xuất và tiêu thụ tự do, chưa có bao bì nhãn mác. Táo thu hoạch chưa qua sơ chế nên thời gian bảo quản ngắn, chỉ khoảng 4 ngày.

Được biết, hiện Hội Nông dân tỉnh cùng với Sở Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Táo xanh Ninh Thuận. Đây sẽ là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm táo sạch ra thị trường trong và ngoài nước. Khi ấy, cây táo xanh sẽ thật sự trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với hiệu quả kinh tế bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Bưởi Tết Thắng Đậm Trồng Bưởi Tết Thắng Đậm

Cũng theo ông Ngàn, mặt thuận lợi nữa là năm nay người dân trồng bưởi đều được các cán bộ kỹ thuật địa phương xuống tận nơi hướng dẫn áp dụng KHKT mới trong chăm sóc bưởi, nhất là cách bón phân, phun thuốc điều độ để giảm chi phí, giúp tăng lợi nhuận tối đa.

22/01/2015
Lo Vụ Tôm Mới Lo Vụ Tôm Mới

Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định, năm nay tỉnh này sẽ triển khai thả nuôi 2.200 ha diện tích ao tôm. Trong đó, có khoảng 520 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT), số còn lại là nuôi tôm sú xen với các loại thủy sản khác.

22/01/2015
Sản Lượng Thủy Sản Nuôi Trồng Giảm 4,7% Sản Lượng Thủy Sản Nuôi Trồng Giảm 4,7%

Do đó, diện tích và sản lượng thủy sản nuôi trồng đều giảm so với năm 2013. Cụ thể: Diện tích nuôi trồng đạt 680ha, giảm 1,4%; sản lượng thu hoạch đạt 3.358 tấn, giảm 4,7%. Diện tích nuôi trồng và sản lượng giảm chủ yếu ở đối tượng tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Riêng tôm hùm, nhờ giá cao, ít dịch bệnh nên người dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi lên đến 11.280 lồng.

22/01/2015
Về Quê Nuôi Ếch Về Quê Nuôi Ếch

Từng có công việc khá ổn định ở thành phố song anh Trần Nhật Mỹ (sinh năm 1988), trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) lại quyết định trở về quê, bám đất làm giàu. Trải qua không ít khó khăn, giờ đây anh Mỹ đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp, là một trong những người tiên phong nuôi ếch ở quê nhà.

22/01/2015
Quảng Ninh Phát Triển Thuỷ Sản Theo Hướng Bền Vững Quảng Ninh Phát Triển Thuỷ Sản Theo Hướng Bền Vững

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 94.100 tấn, vượt 7% so với kế hoạch, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng nuôi trồng đạt 39.266 tấn tăng 15,5% so với kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh có sản lượng đứng thứ 3/10 tỉnh, thành có chung ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

22/01/2015