Trồng Ớt Vụ Đông Xuân Cho Thu Nhập Khá

Để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, trong những năm gần đây, cùng với các loại cây rau màu, người dân trong tỉnh còn đưa cây ớt vào trồng trên những vùng đất chủ động được nước tưới và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Trong những ngày đầu năm, trên đồng đất chuyên trồng rau màu ở xã Thuận Hà (Đắk Song), gia đình ông Nguyễn Văn Lương đã huy động nhân công thu hái những quả ớt chín đỏ ruộng.
Ông Lương cho biết: “Gia đình tôi có 1,3 sào ớt, trồng từ tháng 6 âm lịch, đến tháng 10 thì cây bắt đầu cho thu quả. Cứ 5 - 6 ngày vườn ớt cho thu quả 1 lần, mỗi lần thu hoạch được 0,5 tấn ớt tươi, trừ các khoảng chi phí cũng thu về 7 – 8 triệu đồng”.
Còn gia đình ông Nguyễn Nguyên Hữu ở thôn 3, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có 4 sào đất canh tác nông nghiệp, nhưng cứ vào vụ đông xuân là ông bỏ đất trắng vì trồng ngô, hoa màu thì không đủ nước tưới. Do vậy, năm nay, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng ớt chỉ thiên.
Ông Hữu cho biết: “Thời gian trồng cây ớt cũng bằng trồng lúa và bắp, nhưng thời gian thu hoạch thì kéo dài 4 - 5 tháng, nên lợi nhuận cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác. Mặc dù trồng ớt cũng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật cũng như công chăm sóc nhưng để cây ớt phát triển tốt, thì phải ươm trong bầu sau khi làm đất kỹ, không để độ ẩm cao, sau một tháng mới trồng xuống đất, có như vậy tỷ lệ cây sống mới đạt”.
Hiện nay, với 4 sào ớt, mỗi đợt hái, gia đình ông thu hoạch khoảng 1,5 tấn, với giá bán hiện tại là 20.000 đồng/1kg thì từ tháng 11/2014 đến nay, gia đình ông Hữu đã thu hoạch được 3 đợt, với mức thu thập gần 60 triệu đồng.
Ông Hữu cho biết thêm: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ ớt rất lớn, gia đình ông Hữu mới chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại thị xã Gia Nghĩa. Vừa qua, ông Hữu và một số hộ dân trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, xã Đắk Ha (Đắk Glong) được Công ty Đức Việt có địa chỉ tại phường Nghĩa Phú hợp tác đầu tư giống, phân bón và cam kết thu mua sản phẩm để xây dựng nhà máy chế biến ớt trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa trong năm 2015 này”.
Theo các bà con nông dân chuyên trồng ớt thì cây ớt dễ trồng, không tốn nhiều vốn đầu tư, chỉ sau 2-3 tháng trồng là cho thu hoạch và có thể thu hoạch được quanh năm. Nhưng cái khó nhất trong việc trồng ớt là làm sao tránh tình trạng thiếu nước cũng như thừa nước bởi nó sẽ làm cho cây bị chết hoặc không phát triển được.
Bên cạnh đó, ở cây ớt thường xảy ra bệnh thán thư gây thối quả hàng loạt tại thời điểm khi ớt già đến chín, nặng có thể bị thất thu hoàn toàn. Vì thế trong quá trình trồng cần chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh trên ớt để có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Cứ sau khi thu hoạch mỗi lứa ớt thì tiếp tục bón phân là ớt lại có thể cho thu hoạch tiếp. Để cây ớt phát triển tốt, điều quan trọng nhất là bảo đảm đủ lượng nước tưới thường xuyên, cứ cách 2-3 ngày tưới nước cho ớt một lần. Trước khi trồng ớt nên lên luống cao ráo, rãnh thoát nước tốt tạo điều kiện thuận lợi cho cây ớt phát triển.
Tuy nhiên, người dân cũng không nên trồng ớt liên tục nhiều vụ mà phải cách nhật, nếu vụ này trồng ớt thì vụ sau phải trồng cây khác để cải tạo đất, tránh mầm bệnh di trú từ mùa này qua mùa khác.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, siêng năng, cần cù chịu khó, bám đất bám vườn để làm ăn và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Để đáp ứng nhu cầu giống lúa phục vụ sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tích cực đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt. Kết quả đã xác nhận thêm 3 giống lúa có chất lượng là Hoa ưu 109, PC6 và AQ6.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.

Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì từ năm 2010, đơn vị đã thực hiện một số mô hình trình diễn trồng cây mắc ca để khảo nghiệm loại cây trồng mới được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao này.

Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).