Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trở thành triệu phú từ mô hình nuôi bò khép kín

Trở thành triệu phú từ mô hình nuôi bò khép kín
Tác giả: Hoàng Giáp
Ngày đăng: 03/10/2018

Anh Lượng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi bò khép kín và trồng cây ăn trái.

Hằng ngày anh Lượng vẫn tự tay chăm sóc cho đàn bò của mình. Ảnh: Hoàng Giáp

Mạnh dạn đầu tư số tiền hàng trăm triệu đồng vào chăn nuôi bò, anh Phạm Văn Lượng (31 tuổi, ngụ thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, H.Phú Riềng, Bình Phước) hiện là một trong những “triệu phú” trẻ tại địa phương khi đàn bò phát triển khỏe mạnh, vườn cây ăn trái xanh tốt cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi bò khép kín

Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM, Phạm Văn Lượng không ở lại thành phố tìm cơ hội mà quyết định trở về Bình Phước lập nghiệp. Sau nhiều năm không ngừng tìm tòi, học hỏi và suy nghĩ phải nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình canh tác hiện tại của gia đình, năm 2015, anh Lượng quyết định vay mượn ngân hàng và bạn bè hàng trăm triệu đồng mua 10 con bò giống và đầu tư xây dựng chuồng trại, hầm biogas, trồng cây ăn trái, trồng cỏ cao sản, lắp đặt hệ thống tưới tự động… theo mô hình chăn nuôi khép kín.

Anh Lượng cho biết trên diện tích hơn 1,5 ha trồng cao su của gia đình trước đây, anh đã đầu tư trồng các loại cây ăn trái như mãng cầu, mít, sầu riêng… và xây dựng chuồng bò theo mô hình VietGAP. Trong vòng 3 năm vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, internet… hiện đàn bò của anh đã phát triển lên đến gần 40 con. Mỗi năm đàn bò cho sinh sản gần 20 con bò giống, mang về thu nhập gần 300 triệu đồng.

Không chỉ bán bò giống, anh Lượng còn nuôi gần 100 con gà đẻ trứng. Tận dụng nguồn phân bò dồi dào làm hệ thống dẫn, xây hầm biogas để xử lý chất thải, giải quyết “bài toán” môi trường, tạo nguồn khí gas sử dụng trong gia đình, thu gom phân, nước phân để bón cho vườn cây ăn trái của gia đình. Đối với lượng phân dôi dư, anh cũng tự mua các chế phẩm sinh học về để ủ, sau đó bán lại cho người dân trong vùng. Không những thế, hơn 1,2 ha cây ăn trái hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm khi đang phát triển tốt. Hiện mô hình của anh đang tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, trong đó có cả những thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên

Từ mô hình phát triển kinh tế của anh Lượng, hiện nay trên địa bàn xã Phú Riềng nói riêng cũng như H.Phú Riềng nói chung đã có hàng chục thanh niên đến học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư và bước đầu thu được những hiệu quả tích cực. Không chỉ nhận được sự chia sẻ tận tình, anh Lượng còn cung cấp giống bò với giá ưu đãi cũng như tặng miễn phí giống cỏ cao sản của mình đang trồng nhằm tạo động lực giúp các đoàn viên, thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Lượng cho hay mình khá may mắn khi có sự động viên, hỗ trợ của các thành viên trong gia đình. “Tuy nhiên, ngoài yếu tố quan trọng là nguồn vốn thì các bạn trẻ cần dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực học hỏi và kiên trì mới có thể thành công”, anh Lượng chia sẻ.

Anh Lượng cho biết thêm, trong 1, 2 năm tới, khi vườn trái cây cho thu nhập anh sẽ tiếp tục tái đầu tư, mở rộng quy mô, liên kết với các hộ dân trong vùng thành lập tổ hợp tác nhằm đảm bảo đầu ra bền vững. Ngoài ra, anh sẽ xây dựng thương hiệu bò giống, bò thịt chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tại địa phương.

Không chỉ được biết đến là thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, trên cương vị là Phó bí thư Đoàn xã Phú Riềng, anh Lượng cũng đã sôi nổi, đóng góp công sức, tâm huyết cho phong trào và hoạt động Đoàn tại địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, Phạm Văn Lượng vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII do T.Ư Đoàn trao tặng.


Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển cây, con bản địa Tập trung phát triển cây, con bản địa

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tự hào: “Xã Anông chúng tôi đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014. Đây là xã miền núi đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Nhờ NTM, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 69,69% năm 2010 xuống còn 39,34% hiện nay.

05/09/2015
Trời nắng vàng, nông dân miền Trung hào hứng thu hoạch lúa Trời nắng vàng, nông dân miền Trung hào hứng thu hoạch lúa

Dự báo thời tiết trong những ngày tới tại khu vực miền Trung sẽ là nắng ráo, thuận lợi cho nông dân thu hoạch vụ lúa hè thu đang mùa chín rộ.

05/09/2015
Điều kỳ diệu ở Kim Bình Điều kỳ diệu ở Kim Bình

Góp sức làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, không thể không kể đến các địa danh đỏ - là nơi nuôi giấu cán bộ, là nơi tập hợp những cán bộ, chiến sĩ ưu tú. Trước đã anh dũng, kiên cường, còn nay các địa chỉ đỏ vẫn sáng ngời trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.

05/09/2015
Khoai tây Trung Quốc hết cửa trộn đất đỏ để đội lốt Khoai tây Trung Quốc hết cửa trộn đất đỏ để đội lốt

Trong khi tình trạng khoai tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt và trộn thêm đất đỏ để “đội lốt” khoai tây Đà Lạt ngày càng tràn lan thì mới đây, Lâm Đồng đã xác định động cơ của hành vi trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc trước khi đưa đi tiêu thụ là hành vi “gian lận thương mại” và yêu cầu điều tra để làm rõ.

05/09/2015
Phối hợp thực hiện tốt chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn Phối hợp thực hiện tốt chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn

Chiều 5/9/2015, Ngân hàng No&PTNT Hà Tĩnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng tổ chức tổng kết 5 năm triển khai thực hiện các văn bản thỏa thuận liên ngành; triển khai Nghị định 55/2015/NĐ- CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tới dự.

06/09/2015