Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Đối Mục Ở Hoài Nhơn (Bình Định)

Tình hình dịch bệnh tôm nuôi ở các xã ven biển huyện Hoài Nhơn (Bình Định) làm cho nhiều hộ nuôi tôm ở đây bị thua lỗ; nhiều hồ nuôi tôm còn mầm mống dịch bệnh nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
Thành công từ mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái tại xã Tam Quan Nam và thị trấn Tam Quan đã tháo gỡ được nỗi lo của người nuôi tôm, góp phần khôi phục lại môi trường nuôi trồng thủy sản, vừa mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
Đầu tháng 3.2014, Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn triển khai mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái. Ông La Đông Quang, ở khối 2, thị trấn Tam Quan, là một trong số 3 hộ ở thị trấn Tam Quan và xã Tam Quan Nam “tiên phong” đăng ký thực hiện mô hình trên ao tôm suy thoái của gia đình. Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 12.000 m2 với lượng giống thả nuôi là 12.000 con có kích cỡ 200 con/kg, mỗi con giống giá 8.000 đồng.
Sau 8 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt gần 90%, trọng lượng trung bình đạt 2-3 con/kg, ước tính sản lượng thu về hơn 4,8 tấn. Nếu với giá bán như hiện nay từ 80.000 đến 120.000 đ/kg, trừ chi phí còn lãi trên 160 triệu đồng. Hiện thị trường đầu ra cũng rất tiềm năng bởi cá đối mục có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo ông Quang, cá đối mục rất dễ nuôi, tỉ lệ sống cao, chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ như cám gạo, bắp và thức ăn công nghiệp. Cá đối mục là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, đặc điểm sinh trưởng này rất có lợi cho việc làm sạch môi trường ao nuôi tôm bị suy thoái.
Nếu nuôi cá đối mục xen kẽ với tôm theo tỉ lệ 1/4 thì sẽ mang lại lợi nhuận gấp đôi, đồng thời giảm được thời gian và chi phí thức ăn cho cá. Bởi thức ăn của tôm luôn thừa dưới đáy hồ, khi cho máy đảo chạy sục khí, lượng thức ăn thừa bung lên giúp cá tận dụng thêm nguồn thức ăn tinh sẽ lớn nhanh hơn.
Huyện Hoài Nhơn hiện có 210 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Theo số liệu thống kê năm 2013 và 2014 đã có 12,5 ha bị ô nhiễm nặng và không thể nuôi tôm được nữa, nên việc triển khai mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái là rất hợp lý.
Mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm bị suy thoái đã cho kết quả “kép” rất khả quan, nếu được nhân rộng thì đây là một hướng nuôi mới đầy triển vọng.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện giá cá tra nguyên liệu đang ở mức thấp, chỉ từ 22.000 đến 23.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, mấy năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã được người dân huyện Quỳnh Nhai đầu tư nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế...

Từ đầu tháng 6/2015 giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Hiện giá cá tra được các doanh nghiệp mua với giá chỉ 19.200 - 19.300 đồng/kg (giảm 4.300 - 7.200 đồng/kg so với tháng 1/2015), dưới giá thành sản xuất khoảng 3.000 đồng/kg. Những người nuôi cá tra đang lo lắng sắp vào chu kỳ giảm giá mới.

Mặc dù có tiềm năng lợi thế nhưng xuất khẩu thủy sản của tỉnh Nghệ An vẫn đang khó khăn chồng chất. Kim ngạch xuất khẩu nhỏ lẻ, thiếu bền vững và cho đến nay, chưa có giải pháp nào đủ mạnh để tạo cú huých cho sản phẩm này.

Ðược thành lập từ năm 1999, trải qua bao thăng trầm, gian khó, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Ðịnh (BIDIFISCO) đã tạo dựng được vị thế vững chắc trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu (XK), nhờ luôn kiên định một hướng đi: tất cả vì chất lượng sản phẩm.