Triển Vọng Mới Từ Máy Thu Hoạch Bắp Liên Hợp

Cây bắp lai hiện là cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên, khuyến khích chuyển đổi. Đồng Tháp là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc tổ chức và thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai. Tuy nhiên, vấn đề công nghệ sản xuất thu hoạch và sau thu hoạch đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng.
Xuất phát từ thực tế đó, vừa qua, sáng kiến mới về chiếc máy thu hoạch bắp - lúa của Công ty TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (Địa chỉ: xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) ra đời mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển trồng bắp lai theo hướng công nghiệp.
Máy thu hoạch bắp này được cải tiến từ máy gặt đặp liên hợp trên cây lúa, thực hiện từ khâu gặt đến ra hạt. Do đó ngoài thu hoạch bắp, máy còn được sử dụng để thu hoạch lúa khi thay đổi phần đầu máy (cụm vơ cắt chuyển). Việc chuyển đổi chức năng thu hoạch lúa và thu hoạch bắp của máy thực hiện khá đơn giản.
Với tính năng này, sẽ giúp các chủ đầu tư có thể tăng thời gian sử dụng máy và góp phần rút ngắn thời gian thu hồi vốn. So với máy thu hoạch truyền thống trước đây, máy gặt đập liên hợp này có nhiều ưu điểm hơn.
Cụ thể, có thể thu hoạch 0,15 - 0,35ha/giờ, độ vỡ hạt dưới 3%, độ sót hạt theo rơm dưới 2% và độ sạch hạt trên 95%. Máy thu hoạch bắp cải tiến giúp giảm 12 nhân công lao động/ha so với kiểu thu hoạch truyền thống và giúp giảm chi phí khoảng 1 triệu đồng/ha. Với sự hỗ trợ của chiếc máy này, việc thu hoạch bắp không những tiết kiệm được chi phí nhân công mà thời gian thu hoạch cũng được đảm bảo nhanh gọn.
Ngoài việc vận hành dễ dàng trên địa hình của đất trồng bắp, chiếc máy này vận hành tốt trên các cánh đồng lún, lầy lội. Đặc biệt, đối với lúa, máy có khả năng cắt được lúa đổ ngã hoàn toàn với năng suất cao, độ hao hụt thấp. Ngoài ra, chiếc máy này còn có khả năng điều chỉnh tùy ý, lượng rơm rải đều trên mặt ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đốt đồng.
Ông Phan Tấn Bện - Giám đốc TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn cho biết, hiện tại, ngoài những chiếc máy đã bán cho thị trường, Công ty đang nhận được nhiều đơn đặt hàng sản xuất các loại máy phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là máy thu hoạch bắp. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra thị trường nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp và chú trọng việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân.
Với chiếc máy thu hoạch liên hợp bắp - lúa (2 trong 1) đã mở ra một triển vọng mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại tỉnh Đồng Tháp. Từ đây, việc thu hoạch bắp không còn là vấn đề nan giải khi vụ mùa đến gần đối với bà con nông dân trồng bắp lai.
Có thể bạn quan tâm

Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy nhận định, mấy năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và tôm nuôi không xảy ra theo quy luật mùa như trước đây mà bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu chủ quan, lơ là, ngay lập tức dịch bệnh sẽ tái bùng phát.

Đã 10 năm và cũng đã 10 vụ nuôi nghêu thịt của Hợp tác xã (HTX) Nuôi nghêu Đất Mũi (Cà Mau) được thả giống, nhưng chưa vụ nào thành viên của HTX phấn khởi như vụ nghêu năm nay. Bởi lượng nghêu thịt đến khi thu hoạch ít bị hao hụt, năng suất đạt cao, giá thành ổn định và tình hình khai thác nghêu trái phép cũng được lắng đọng. Đây là tín hiệu phấn khởi cho vùng bãi nghêu Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

6 tháng đầu năm 2014, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm dịch hơn 4,7 tấn sản phẩm động vật, 13.400 tấn thịt động vật, 118,4 triệu quả trứng gia cầm nội tỉnh và 176,4 triệu quả trứng gia cầm xuất tỉnh.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, việc quản lý dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi còn nhiều tồn tại, bất cập, các loại dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp làm tăng chi phí và tâm lý lo ngại cho người chăn nuôi, người tiêu dùng thực phẩm.

Thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh ghi nhận có hơn 450ha mía bị nhiễm dịch hại, tăng gần 20ha so với tuần trước, chủ yếu: sâu đục thân, rầy đầu vàng, rệp sáp, chuột... phân bố ở 3 đơn vị là thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh.