Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Nuôi Tôm Càng Xanh Bền Vững

Phát Triển Nuôi Tôm Càng Xanh Bền Vững
Ngày đăng: 06/08/2014

Qua 5 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, mô hình nuôi tôm càng xanh mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, mô hình này vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập cần sớm khắc phục.

Tại Đồng Tháp, mô hình nuôi tôm càng xanh đóng vai trò quan trọng thứ hai sau cá tra trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Tận dụng lợi thế thiên nhiên, tỉnh xác định sản xuất luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trong mùa lũ là mô hình phát triển bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trong giai đoạn 2009 - 2012, diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh không có sự biến động lớn, dao động từ trên 1.100 - 1.350 ha, tuy nhiên sản lượng và năng suất có biến động qua các năm, do ảnh hưởng khá lớn của thời tiết và nhất là mực nước.

Năm 2009, sản lượng tôm là 1.974 tấn với năng suất bình quân 1,56 tấn/ha. Đến năm 2012, sản lượng tôm nuôi giảm, chỉ đạt 1.528 tấn/1.291 ha, năng suất chỉ đạt 1,18 tấn/ha. Nguyên nhân của sự sụt giảm về năng suất là do ảnh hưởng của nước lũ thấp, về muộn làm tôm chậm lớn, hao hụt nhiều.

Ngoài ra, nhiều vùng nuôi không chủ động nguồn nước, lịch thời vụ do không có đê bao hoặc hệ thống đê bao không hoàn chỉnh nên năng suất đạt rất thấp, nhiều hộ nuôi bị thua lỗ. Năm 2013 là năm khá thuận lợi cho nghề nuôi tôm càng xanh ở Đồng Tháp do nước lũ về cao, sớm và kéo dài (1.133ha, năng suất trung bình đạt 1,4 tấn/ha).

Những năm qua, mô hình nuôi tôm càng xanh được nhân rộng và được đánh giá có hiệu quả. Lợi nhuận từ mô hình này tăng gấp 2 - 3 lần so với sản xuất lúa, bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha, góp phần vào việc giải quyết việc làm cho không ít lao động nhàn rỗi trong mùa nước nổi, nhất là các hộ nghèo không có đất sản xuất có thu nhập từ việc đánh bắt ốc bươu vàng, chăm sóc tôm và thu hoạch tôm...

Thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm có xu hướng giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi như: nắng nóng, nước lũ về muộn và thấp; chi phí đầu tư tăng cao. Ngoài ra, chất lượng tôm giống kém cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Nhưng với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm của nông dân, đặc biệt được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn đã tìm biện pháp khắc phục khó khăn để mô hình tiếp tục nhân rộng.

Tính đến cuối tháng 5/2014, toàn tỉnh có 245 hộ thả nuôi với 49,7 triệu con post trên 365,5ha. Tập trung tại các huyện: Tân Hồng, Hồng ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò.

Những năm qua, các cơ quan chuyên môn, Viện, Trường đã tích cực chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến, tổ chức hội thảo chuyên đề về kỹ thuật nuôi, quản lý môi trường, phương pháp phòng trị bệnh...Qua đó, giúp các cơ sở nắm bắt kịp thời tiến bộ khoa học kỹ thuật, cập nhật thông tin mới.

Song song đó, các Trạm Thủy sản luôn bám sát mục tiêu và chương trình, kế hoạch sản xuất đề ra, tổ chức cho cở sở tham quan, học tập kinh nghiệm để người dân tin tưởng, mạnh dạn đầu tư nuôi tôm càng xanh trên mảnh ruộng của mình.

Nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng lúa mùa nước nổi là một lợi thế đặc thù của tỉnh. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đến nay tình hình sản xuất tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự ổn định.

Cụ thể, quy trình sản xuất tôm giống còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Phần lớn cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh chưa chủ động nuôi vỗ và chọn lọc giống tôm bố mẹ đạt chuẩn để sản xuất. Đối với tôm nuôi thương phẩm, một số hộ nuôi còn chủ quan trong khâu cải tạo vuông nuôi.

Về chọn giống, chưa có sự liên kết giữa người nuôi và người sản xuất giống. Nhiều hộ nuôi còn khó khăn về vốn. Công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ còn nhiều khó khăn.

Để khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế mặt đất, mặt nước trong mùa nước nổi để nuôi tôm càng xanh, tạo nên sự đa dạng các sản phẩm chế biến xuất khẩu có giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế... theo Chi cục Thủy sản, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tôm càng xanh phù hợp với từng vùng, từng địa phương; tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào; tăng cường liên kết và ký kết hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp chế biến với người nuôi trước khi thả giống; các vùng nuôi tập trung phải thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác.

Việc kết hợp với các Viện, Trường tiếp tục nghiên cứu và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống tôm càng xanh là vấn đề phải đặc biệt quan tâm. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định về tiêu chuẩn ngành, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản để người sản xuất nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Tỉnh cần có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các đơn vị, cá nhân có đủ năng lực để đầu tư cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh; hỗ trợ trong khâu quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Phòng Chống Dịch Lợn Tai Xanh- Nhìn Từ Công Tác Phòng Chống Dịch Ở Bắc Ninh Phòng Chống Dịch Lợn Tai Xanh- Nhìn Từ Công Tác Phòng Chống Dịch Ở Bắc Ninh

Trước tình hình dịch lợn tai xanh diễn biến phức tạp tại các tỉnh ĐBSH, chiều hôm qua, ngày 29/5,Bộ NN & PTNT tổ chức kiểm tra dịch bệnh tại Bắc Ninh do thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần trực tiếp chỉ đạo đoàn công tác .

03/06/2012
Lúa Thơm Đang Được Săn Lùng Lúa Thơm Đang Được Săn Lùng

Các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa ĐX, năng suất bình quân từ 6,5-7,5 tấn/ha, cao hơn so với vụ ĐX năm rồi khoảng 1 tấn/ha. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến thời điểm hiện nay diện tích thu hoạch toàn vùng ĐBSCL đạt hơn 800.000 ha/1,6 triệu ha xuống giống. Hiện thương lái chỉ săn lùng mua lúa thơm, lắc đầu với lúa chất lượng thấp...

13/03/2012
Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Rạng, Cá Chết Hàng Loạt, Người Nuôi Điêu Đứng Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Rạng, Cá Chết Hàng Loạt, Người Nuôi Điêu Đứng

Hai ngày qua, hàng loạt bè cá nuôi trên sông Rạng (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) bị chết trắng. Hàng trăm hộ nuôi bị thiệt hại tiền tỉ, thậm chí có vài hộ thiệt hại lên đến 10 tỉ đồng, phải đối diện với nợ nần và nguy cơ phá sản.

04/06/2012
Ruộng Lúa, Bờ Hoa Thân Thiện Môi Trường Ruộng Lúa, Bờ Hoa Thân Thiện Môi Trường

Mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” (gọi theo kiểu dân dã Nam bộ là “ruộng lúa bờ hoa”) đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng chống rầy nâu, vàng lùn- lùn xoắn lá (VL- LXL).

16/03/2012
Xuất Bán Phân Bò, Lợi Bất Cập Hại Xuất Bán Phân Bò, Lợi Bất Cập Hại

Trong khi khu vực Tây Nguyên chuẩn bị bón phân cho cây tiêu, cà phê cũng là thời điểm phân bò ở Bình Định ào ạt theo những chuyến xe tải hành trình “tây tiến”.

19/03/2012