Trái cây ngập chợ

Cùng với hàng loạt trái cây đặc sản ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ đang vào mùa chín rộ, trái vải miền Bắc cũng rầm rộ “Nam tiến”, hứa hẹn năm nay người dân TP HCM sẽ có một mùa thưởng thức trái cây thỏa thích với giá rẻ.
Vải thiều giảm giá mạnh
Từ nhiều ngày nay, quả vải đã có mặt ở hầu khắp các sạp trái cây từ cao cấp đến bình dân và đội quân xe đẩy bán rong khắp TP HCM. Giá quả vải cũng xuống nhanh, từ mức xấp xỉ 100.000 đồng/kg cách đây 20 ngày chỉ còn xoay quanh mức từ 25.000-35.000 đồng/kg.
Chủ một sạp trái cây lớn gần cầu Rạch Đỉa (quận 7) cho biết có 3 loại vải chia theo giống là: vải trứng, vải nếp và vải thiều. Trong đó, vải thiều ngon nhất, quả nhỏ, hạt nhỏ còn 2 loại vải kia vị chua, hạt lớn và những đợt hàng gần đây thường có sâu bên trong nên ít được người tiêu dùng ưa chuộng, dù giá rẻ hơn. Giá bán lẻ vải thiều đang ở mức 35.000 đồng/kg (loại đi bằng đường bộ) vào buổi sáng và cuối buổi xả hàng chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg vì rất mau hư.
Tại các siêu thị, giá quả vải cũng giảm nhanh, từ 62.000 đồng/kg cách đây vài tuần xuống 28.000 đồng/kg vào thời điểm hiện nay, ghi nhận trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết sức tiêu thụ vải tươi trên hệ thống siêu thị Co.opmart đang ở mức từ 10-15 tấn/ngày và ước tính khi vào chính vụ, sức tiêu thụ này có khả năng tăng gấp đôi. Không chỉ rà soát cẩn thận nguồn hàng để bảo đảm chất lượng, siêu thị cũng không tính thêm bất cứ khoản chiết khấu nào để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng là tốt nhất so với hàng cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, từ ngày 6 đến 25-6, vải tươi của Co.opmart còn giảm giá thêm 20% trong “Tháng Tiêu dùng xanh” để đẩy mạnh sức mua.
Dù lượng về nhiều nhưng vải đang là mặt hàng có sức tiêu thụ rất tốt. Hệ thống Saigon Co.op đã lên kế hoạch bao tiêu hơn 1.000 tấn vải thiều của tỉnh Hải Dương, gấp đôi so với năm ngoái. Lotte Mart cũng dự kiến tiêu thụ 120 tấn, gấp 4 lần so với năm trước.
Dồn dập trái cây chính vụ
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cho biết riêng đối với ngành hàng trái cây, ngoài mùa Tết thì từ nay đến hết tháng 6 là khoảng thời gian đỉnh điểm về sản lượng (từ rằm tháng 4 đến Tết Đoan ngọ - mùng 5 tháng 5 âm lịch - hằng năm). Ngoài trái vải có số lượng về tăng đột biến trong năm nay thì các loại trái cây khác như chôm chôm, bưởi, xoài, măng cụt, dâu da… đều tăng từ 20%-30% so với ngày thường do ĐBSCL vào mùa thu hoạch.
Theo vị đại diện này, để hàng hóa lưu thông tốt, tránh tình trạng ùn ứ tại chợ sỉ trong khi chợ lẻ khan hàng, đơn vị đã tăng lực lượng giữ an ninh trật tự, bố trí lực lượng điều tiết giao thông nội bộ và bốc xếp để xuống hàng nhanh cũng như sự thông thoáng để thương nhân đến lấy hàng và chở đi nhanh chóng. Tương tự, tại các chợ sỉ Thủ Đức, Hóc Môn cũng tích cực chuẩn bị thêm mặt bằng kinh doanh cũng như thông tin liên lạc để điều tiết nguồn hàng từ các tỉnh về chợ hợp lý.
Khảo sát cho thấy do nguồn hàng phong phú nên giá các loại trái cây nội địa đều đang ở mức dễ chịu với người tiêu dùng, nhiều loại có giá bán lẻ dưới 25.000 đồng/kg như chôm chôm, đu đủ, ổi, xoài, cóc, sapôchê,…
Ông Trần Văn Chúc, Giám đốc ngành hàng thực phẩm tươi sống Lotte Mart, cho biết sắp tới Tết Đoan ngọ, mặt hàng trái cây sẽ rất hút hàng, trong đó có các loại trái cây mùa vụ nội địa như: sầu riêng, chôm chôm, vải, măng cụt… Dự kiến, sức tiêu thụ các loại trái cây này sẽ tăng từ 15%-20% so với các ngày cuối tuần trước đó”.
Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, người tiêu dùng sử dụng trái cây chính vụ sẽ bảo đảm được yêu cầu: ngon, bổ, rẻ vì đây là thời gian cực thuận về thời tiết đối với loại trái cây đó nên ra trái nhiều, chất lượng tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, các hộ chăn nuôi bò sữa rất phấn khởi vì lợi nhuận từ bò sữa khá cao. Theo lời một người nuôi bò sữa lâu năm ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), hiện nay một con bò đang cho sữa có thể đem về cho người chăn nuôi hơn 100.000 đồng/ngày; với 5 con bò sữa người nuôi sẽ có thu nhập cao hơn so với việc sản xuất 1 ha lúa. Nhiều năm qua, đàn bò sữa chỉ phát triển ở huyện Trảng Bàng, còn các huyện lân cận rất hiếm.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa – con vật chủ lực giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, một số địa phương đang mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là các loại cỏ giàu dinh dưỡng và có năng suất cao để làm thức ăn cho bò.

Phần lớn diện tích cây cà phê Catimor tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được trồng trong giai đoạn 1990-1991. Tính đến nay tuổi thọ trung bình đã hơn 20 năm trong khi chu kỳ khai thác hiệu quả nhất của cây cà phê vào khoảng 12 đến 15 năm.

Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu vụ Xuân Hè, vụ Hè Thu, vụ Thu Đông năm 2014 và vụ Đông Xuân 2014-2015 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện nhiều mô hình, dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa nông sản, trong đó có cây quýt thành sản phẩm hàng hóa.