Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Lượng Vải Thiều Chín Sớm Ở Bắc Giang Tăng Và Được Giá

Sản Lượng Vải Thiều Chín Sớm Ở Bắc Giang Tăng Và Được Giá
Ngày đăng: 30/05/2013

Từ cuối tháng 5 ở Bắc Giang, vải thiều cực sớm và vải sớm cho thu hoạch rộ. So với năm trước, sản lượng và giá bán đều tăng.

Những ngày này, thị trấn Cao Thượng tràn ngập sắc đỏ đặc trưng của vải sớm Tân Yên. Dọc đường vào xã Phúc Hoà (nơi có diện tích vải sớm lớn nhất huyện, khoảng 350 ha) có hàng chục điểm cân vải. Nông dân chở vải từ các xã Phúc Hoà, Liên Sơn, Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung… đổ dồn về ngã ba Lân Thịnh - Phúc Thịnh (xã Phúc Hoà) và thị trấn Cao Thượng, nơi có hàng chục xe tải lớn thùng lạnh đang chờ "ăn" hàng.

Người mua, kẻ bán tấp nập, tiếng cười nói rộn ràng vì vải sớm năm nay được mùa, được giá. Ông Trần Văn Khải, thôn Tân Lập, xã Cao Thượng khệ nệ khiêng sọt quả chín mọng, đều tăm tắp lên bàn cân, gương mặt ướt đẫm mồ hôi rạng niềm vui, cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 300 gốc vải, năm nay thời tiết thuận lợi, chăm bón tốt nên cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả, năng suất gấp rưỡi năm ngoái. Dịp này ngày nào nhà tôi cũng có gần chục lao động thu hoạch vải, thương lái đến mua tận vườn. Giá bình quân 14.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng.

Gia đình anh Dương Văn Cần, thôn Thái Hoà, xã Phúc Hoà năm nay thu hơn 7 tấn quả từ 200 gốc vải thiều sớm. Nâng chùm vải thiều sai lúc lỉu trên tay, anh chia sẻ: Có được thành quả này là do mấy năm trở lại đây anh tuân thủ cách chăm sóc vườn vải theo tiêu chuẩn VietGAP do cán bộ khuyến nông xã, huyện hướng dẫn, vì thế quả vải có mẫu mã đẹp, thơm ngon, cho năng suất cao và được giá hơn. Những năm trước, cũng diện tích vải này gia đình anh chỉ thu nhập bằng nửa năm nay.

Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, hiện toàn huyện có hơn 700 ha vải thiều sớm đang cho thu hoạch trong tổng số 913 ha vải sớm, sản lượng ước đạt 5.500 tấn. Thời điểm này sản phẩm loại đẹp có giá 16.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm trước.

Để công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho hay: Cuối vụ thu hoạch vải năm 2012, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai việc hướng dẫn các hộ chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng quả vải; thực hiện đúng quy trình sản xuất và sử dụng nhãn hiệu vải thiều sớm theo quy định.

Cùng đó các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa chữa các tuyến đường: Cao Thượng-Phúc Hòa; Chấn Sơn-Tân Trung bảo đảm giao thông thuận tiện, an toàn, không để xảy ra ách tắc, tai nạn giao thông. Các ngân hàng và cơ quan chức năng trên địa bàn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về vốn, tăng cường hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng tư thương ép giá, ô nhiễm môi trường... UBND các xã: Hợp Đức, Liên Sơn, Tân Trung, Phúc Hòa, Cao Thượng và thị trấn Cao Thượng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiêu thụ vải thiều.

Ngược quốc lộ 31, chúng tôi đến "vựa" vải thiều sớm của huyện Lục Ngạn. Tại thôn Biềng, xã Nam Dương, anh Nguyễn Văn Chọn, đang chăm sóc vườn vải sớm, chuẩn bị cho thu hoạch rộ. Anh cho biết với hơn 150 cây vải thiều sớm 7 - 8 năm tuổi, chủ yếu là giống lai u hồng, vụ này ước thu 3 tấn. Do chăm sóc tốt nên hạn chế được thiệt hại do điều kiện thời tiết bất lợi, quả to, sắc đỏ, chín đều.

Đợt thu hoạch đầu vụ mang tính chất thăm dò thị trường, anh đã bán được 18.000 đồng/kg. Trò chuyện với anh Đinh Văn Dũng, ở thôn Kép, xã Hồng Giang, chuyên thu mua vải thiều sớm, được biết từ ngày 20/5 đến nay, mỗi ngày anh thu mua 2 - 2,5 tấn vải từ xã Tân Mộc, Nam Dương, Quý Sơn... để đưa đi Hà Nội tiêu thụ. Giá mua tại điểm cân thường 13.000 - 14.000 đồng/kg, tuy nhiên với những vườn quả có chất lượng thì giá mua cao hơn, cá biệt lên đến 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, vải sớm năm nay sản lượng tăng so với vụ trước. Năm 2012 vải thiều sớm đạt 22 nghìn tấn; vụ này đạt khoảng 27 nghìn tấn. Thời gian cho thu hoạch cũng sớm hơn khoảng một tuần, từ 20/5 và dự kiến kéo dài đến ngày 20/6, vừa kịp đến khi thu hoạch vải thiều chính vụ.

Tại hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều 2013, ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Vải thiều Lục Ngạn được Nhà nước bảo hộ, cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, vải thiều sớm Phúc Hòa được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trên cơ sở đó, vải thiều sẽ được đóng gói vào các túi có nhãn mác, mã vạch và bán rộng rãi trên thị trường. Đây là yếu tố quan trọng khẳng định thương hiệu vải thiều của Bắc Giang, là cơ hội tốt để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối bán lẻ chuyên nghiệp và xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Nai Dồi Dào Heo, Gà Bán Tết Đồng Nai Dồi Dào Heo, Gà Bán Tết

Trung bình trang trại xuất khoảng 1.500 con heo giống/tháng, tăng khoảng 30% so với năm ngoái nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu người mua. Hiện đã qua thời điểm tăng đàn phục vụ cho thị trường tết, nhưng danh sách người đặt chờ mua con giống vẫn khá nhiều”.

31/12/2014
Sử Dụng Tinh Phân Ly Giới Tính: Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trong Chăn Nuôi Sử Dụng Tinh Phân Ly Giới Tính: Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trong Chăn Nuôi

Phối tinh phân ly giới tính cho bò sữa đã được nhiều nước như Mỹ, Hà Lan, Úc… và các nước châu Á như Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc ứng dụng có hiệu quả. Hiện nay, ở các nước tiến tiến với các trang trại lớn đã sử dụng 100 % tinh phân ly giới tính nên chất lượng đàn bò rất cao.

31/12/2014
Quảng Ngãi Tăng Cường Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò Trong Mùa Đông Quảng Ngãi Tăng Cường Bảo Vệ Đàn Trâu, Bò Trong Mùa Đông

Cuối năm, những cơn gió mùa đông bắc thổi về, trời trở lạnh, nhất là ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ ở vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi xuống dưới 180C. Trước tình hình đó, nông dân tại các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây đang tập trung phòng chống đói, rét cho trâu, bò.

31/12/2014
Tăng Thu Nhập Nhờ Nuôi Rắn Và Ếch Tăng Thu Nhập Nhờ Nuôi Rắn Và Ếch

Những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) xuất hiện nhiều mô hình mới như nuôi chim bồ câu, nuôi thỏ, nuôi trùn quế… Trong đó, mô hình nuôi rắn ráo trâu kết hợp nuôi ếch của anh Huỳnh Văn Hiệp (thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp) giúp anh tăng thêm nguồn thu nhập trong thời gian nông nhàn.

31/12/2014
Tạo Chỗ Đứng Vững Chắc Cho Trứng Gà Sạch 729 Ba Vì (Hà Nội) Tạo Chỗ Đứng Vững Chắc Cho Trứng Gà Sạch 729 Ba Vì (Hà Nội)

"Chăn nuôi an toàn sinh học mà tham lam là thất bại" - anh Phú chia sẻ. Với nỗ lực không ngừng, những mẻ trứng an toàn sinh học đầu tiên đã "ra lò" trong niềm vui mừng, phấn khởi của anh cùng toàn thể nhân viên trong trang trại. Với anh Phú, đây như một sản vật mới của vùng đất đồi gò này và là hướng đi bền vững cho phát triển chăn nuôi gia cầm tại địa phương.

31/12/2014