Tổ Tư vấn xây dựng NTM - Bà đỡ mát tay

Là nông dân chính hiệu, quanh năm cần cù, chịu khó tăng gia sản xuất và làm một số nghề phụ, anh Nguyễn Trọng Sơn ở thôn Quang Sơn (Thạch Đỉnh, Thạch Hà) đã tích lũy được một ít vốn.
Anh Sơn dự định đầu tư 1 chiếc máy làm đất, vừa phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa kinh doanh phục vụ bà con trong xã. Tuy nhiên, theo anh Sơn, tiền đầu tư máy khá lớn (gần 100 triệu đồng) trong khi vốn tự có mới được hơn 30%.
Anh cũng đang lúng túng chưa biết làm thế nào thì được Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM của xã giới thiệu về các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của T.Ư, tỉnh; tận tình hướng dẫn cách làm thủ tục để tiếp cận được các nguồn hỗ trợ.
Theo đó, anh Sơn đã được hỗ trợ 40% kinh phí mua máy theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh.
Ngoài ra, anh còn được tổ tư vấn hướng dẫn làm thủ tục để được hỗ trợ 50% lãi suất theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Mô hình chăn nuôi lợn nái liên kết với doanh nghiệp, quy mô 650 con của ông Nguyễn Trung Đức, ở thôn 1, xã Ân Phú (Vũ Quang) được hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh.
Những vướng mắc tương tự cũng được Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) “hóa giải” cho ông Nguyễn Đình Trí (xóm Tân Hưng).
Ông Trí có nhu cầu vay 70 triệu đồng để mua giống, phân bón phát triển 3 ha vườn đồi trồng cam. Suốt ngày bám trang trại nên ông không có thời gian tìm hiểu và tiếp cận các chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, được sự tư vấn của Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM xã, những khó khăn này từng bước được giải quyết.
Ông Trí được cán bộ tổ tư vấn hướng dẫn làm hồ sơ để được hưởng hỗ trợ 50% lãi suất theo Quyết định 23 của UBND tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Thắng - cán bộ Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM xã Đức Lĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 45 hộ vay vốn phát triển sản xuất thông qua sự hướng dẫn của tổ tư vấn.
Cán bộ tổ tư vấn còn hướng dẫn bà con kiến thức sản xuất, bảo toàn và phát triển đồng vốn.
Theo ông Trần Huy Oánh - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, những năm qua, T.Ư và tỉnh đã ban hành khá đồng bộ hệ thống chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, số hộ được hưởng chính sách chưa nhiều và nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng chưa vay được.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do người dân chưa hiểu rõ được chính sách, điều kiện, hồ sơ, thủ tục.
Vì vậy, để giúp người dân tiếp cận các chính sách cũng như vay vốn từ các tổ chức tín dụng được thuận lợi, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ tư vấn chính sách, vay vốn tại các xã. Tổ tư vấn chính sách, vay vốn do xã trực tiếp thực hiện, có sự tham gia của cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, huyện, thành phố, thị xã, Sở NN&PTNT, ngân hàng No&PTNT cấp tỉnh, huyện.
Người dân được tư vấn trực tiếp tại trụ sở UBND xã và trực tuyến qua điện thoại (số điện thoại các tư vấn viên được niêm yết tại trụ sở UBND xã), qua website tư vấn chính sách (tại địa chỉ tuvanchinhsach.nongthonmoihatinh.vn) về: điều kiện, cách thức xây dựng các mô hình, trình tự, thủ tục, hồ sơ để được hưởng chính sách, vay vốn...
Các chính sách hiện hành của T.Ư, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM gồm có:
Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, chế biến, tiêu thụ, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xử lý môi trường, thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho một số đối tượng được ưu đãi khác...
Có thể bạn quan tâm

Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thủy văn và các vùng sinh thái khác nhau thích ứng cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế trong những năm qua, với sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, nông dân trong huyện đã khai thác được thế mạnh về đất đai và lao động đưa lại hiệu quả khá cao trong sản xuất cây công nghiệp ngắn, dài ngày và chăn nuôi trâu bò đàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết thành phố vừa phê duyệt Dự án Trung tâm nghề cá ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.

Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.

Sau thắng lợi của vụ tôm năm 2011, năm 2012 diện tích thả nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tăng lên. Cụ thể, năm 2012 toàn huyện có 185,66 ha thả nuôi tôm, tăng 34 ha tập trung các xã: Mỹ An Hưng B, Vĩnh Thạnh... Tuy nhiên, năm nay vụ tôm càng xanh mùa lũ ở huyện đạt năng suất thấp, nhiều hộ nuôi không có lời, thậm chí bị thua lỗ.

Do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường và giá bán trái cao nên thanh long ruột đỏ đang được nhà vườn đầu tư phát triển làm nhánh giống trở nên khan hiếm. Nhánh thanh long giống ruột đỏ nhà vườn bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/nhánh có kích thước từ 30 - 40 cm. Thương lái mua trái tại nhà vườn với giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, vào thời điểm hút hàng, giá cao nhất là 52.000 đồng/kg.