Tiếp Tục Phát Triển Đàn Bò Lai

Bò lai chiếm ưu thế so với bò cỏ cả về trọng lượng lẫn chất lượng thịt. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên đàn bò lai tăng nhanh, nhiều gia đình chỉ nuôi từ 1-2 con vài năm trước, giờ đã tăng đàn bò lên gần chục con. Hiện tổng đàn bò toàn tỉnh Bình Định gần 247 ngàn con, trong đó có khoảng 169 ngàn con bò lai, chiếm 68,7% tổng đàn.
Theo ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi (thuộc Sở NN-PTNT): Chương trình lai tạo và phát triển giống bò của tỉnh trong những năm qua đã góp phần tăng số lượng bò lai trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thời gian qua, Trung tâm luôn khuyến khích người dân chăn nuôi bò lai bằng nhiều hình thức, như hỗ trợ tinh cũng như tiền công phối giống, hỗ trợ bò đực giống cho các địa phương. Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo hoặc cho phối trực tiếp với bò lai Zêbu để tăng tỉ lệ đàn bò lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Những giống bò được đưa vào cải tạo đàn bò địa phương có nhóm bò Zêbu gồm các giống: Brahman trắng, Brahman đỏ, Red Sind, Sahiwal; lai tạo theo hướng chuyên thịt có: Limousine, Crimousine, Charolais, Drought Master, Red Angus.
Huyện Phù Mỹ là một trong những địa phương có số lượng bò lai phát triển mạnh. Đến nay, tổng đàn bò của huyện gần 48.000 con, trong đó bò lai chiếm 74,6%. Ông Nguyễn Hữu Trị, ở thôn Lạc Sơn, xã Mỹ Trinh, là một trong những hộ chăn nuôi bò lai đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đầu năm đến nay, từ chăn nuôi và bán bò lai gia đình ông thu lãi trên 60 triệu đồng. Ông Trị cho biết: “Ngoài việc cho ăn rơm rạ, cỏ thì phải nấu cháo, quậy cám gạo, bột bắp cho bò ăn. Nuôi bò lai không mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng phải chăm sóc thật kỹ, đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Cũng theo ông Đào Văn Hùng: Hiện nay toàn tỉnh có 90 điểm thụ tinh nhân tạo bò với 95 dẫn tinh viên, trong đó có 95% số điểm và số dẫn tinh viên hoạt động đạt hiệu quả cao. Những vùng không có điều kiện thụ tinh nhân tạo được thì dùng bò đực giống có trên 75% máu ngoại, áp dụng nhảy trực tiếp.
Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục đào tạo và phát triển đội ngũ dẫn tinh viên, cũng như mở thêm nhiều điểm thụ tinh nhân tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi phát triển sản xuất. Trong tương lai sẽ thực hiện xây dựng thương hiệu bò lai Bình Định, như mở website giới thiệu, mở các đầu mối ở các vùng miền để tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, thực hiện tốt việc liên kết giữa “4 nhà” để người chăn nuôi tránh bị chèn ép giá.
Trong khi đó, các địa phương cũng chủ động vào cuộc. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Để phát triển chăn nuôi bò lai, huyện đang chú trọng công tác quy hoạch, dự kiến mỗi xã quy hoạch từ 2-4 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô từ 10-30 ha/trang trại, tùy theo đặc điểm của từng địa phương.
Ở những vùng sâu, vùng xa, huyện đang chủ trương mua một số bò đực giống để lai tạo. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ sẽ được thực hiện tốt hơn để đảm bảo an toàn thực phẩm, ngăn chặn lây lan dịch bệnh…”.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.

Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.

Sau khi thực hiện thành công dự án "Phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị tốt" Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã phát tán 5.600 cá tra bố mẹ hậu bị có lý lịch rõ ràng, ngoại hình hoàn chỉnh, không đồng huyết, cận huyết cho 3 cơ sở sản xuất cá tra bột trong tỉnh và sẵn sàng cung cấp tiếp 4.000 con cho các cơ sở sản xuất cá tra bột có yêu cầu thay đổi đàn cá bố mẹ, nhằm tạo đàn cá bố mẹ hậu bị tốt để cung cấp con giống chất lượng cao cho ngư dân thả nuôi, góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cá tra An Giang.

200/223 hộ dân ở thôn Gò Găng, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Những bè cá bồng bềnh trên sông nước, những cọc hàu cắm sâu vào lòng sông đã và đang đem lại cho người dân nơi đây cơ hội kiếm sống, nuôi con ăn học, xây nhà…

Vụ nuôi tôm gần đây, toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 122 hộ nuôi tôm trên ruộng, với tổng diện tích 752,8 ha (giảm 55,2 ha so năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, đạt tổng sản lượng hơn 903 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Trong đó, có trên 560 tấn tôm thịt và 343 tấn tôm trứng.