Thương hiệu tinh heo Sáu Bành
Không chỉ mua thêm nhiều ruộng đất, mà còn trở thành ông chủ cơ sở sản xuất tinh heo giống cao sản và chăn nuôi heo với quy mô lớn.
Ông là gương mặt đại diện của tỉnh Vĩnh Long được chọn biểu dương “Nông dân điển hình tiên tiến” toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV.
Hội Nông dân tỉnh đến tham quan mô hình chăn nuôi heo của ông Sáu Bành (bìa trái).
Từ thử nghiệm đến kinh nghiệm
Sau hơn 6 tháng đi bộ đội, thì đất nước được thống nhất, ông Sáu Bành trở về với ruộng vườn, bắt tay gầy dựng sự nghiệp từ 4 công đất ruộng. Với “4 công ruộng lúa không thể làm giàu”, nên ông nuôi heo đực giống.
Không có kinh nghiệm làm ăn, không phương tiện kỹ thuật, ông phải tự mày mò làm tất cả từ khâu chọn giống sao cho đẹp, chất lượng; chăm sóc heo như thế nào cho hợp lý và làm sao để khai thác tinh có hiệu quả...
Năm 1997, khi kỹ thuật cấy tinh phối giống còn khá mới mẻ với nhiều hộ chăn nuôi, bản thân ông cũng không được đào tạo chuyên môn, nhưng nhờ tự thí nghiệm rồi rút kinh nghiệm, ông đã từng bước thành công.
Ông kể, để chuyển đổi mô hình nuôi heo từ phối giống trực tiếp chuyển sang kỹ thuật khai thác tinh hiện đại, ông đã mất cả năm trời để làm đủ các thử nghiệm “khác người” như: gạt tinh lên mũi để đoán tỷ lệ tinh trùng còn nhiều hay ít; dành cả tháng trời để “tâm sự” với heo và để hiểu nó...
Cũng có lúc ông bị heo đực giống rượt cắn…
Quá khó, nhưng ông vẫn không bỏ cuộc chỉ vì mong muốn “sẽ áp dụng thành công kỹ thuật mới này”.
Qua nhiều thử nghiệm, cuối cùng ông cũng đã thành công với việc lấy tinh heo. Trung bình, một con heo giống mỗi lần lấy tinh cho 300cc. Ông chia ra đem gieo thử nghiệm cho 5 con nái và cho kết quả trung bình từ 10 đến 15 heo con. Hiệu quả trên heo nái thì thấy rõ, nhưng tính ra chi phí thì không lời, ông lại tiếp tục mày mò nghiên cứu...
Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm
Sau khi thử nghiệm và tính toán, ông rút ra được kinh nghiệm nhưng cứ kiểm tra… bằng mũi hoài như vậy sẽ khó mà tìm ra được công thức đúng, đã đến lúc phải chọn một hướng đi khá mạo hiểm- đó là vay tiền để mua kính hiển vi để giúp ông kiểm định được tỷ lệ tinh trùng sống.
Cuối cùng, ông đã tìm ra được công thức đúng cho mình. Với 300cc đem phối cho 10 heo nái, hiệu quả giữ nguyên nhưng ông lại thu lời được gấp đôi. Sau 1 năm thử nghiệm thành công trên heo nái nhà, ông bắt đầu đến các hộ gia đình thuyết phục mọi người áp dụng kỹ thuật mới này.
Vốn quen với phương pháp phối giống trực tiếp, nên nhiều bà con nuôi heo tỏ ra khá e dè với đề nghị “táo bạo” của ông Sáu Bành. Vậy là ông Sáu giải thích cho bà con cặn kẽ những ưu điểm của việc lấy tinh như sạch sẽ, đỡ vất vả, ít dịch bệnh... Rồi còn đảm bảo “nếu heo đẻ dưới 5 con cũng sẽ không lấy tiền phối giống”. Thực tế, đã đem lại hiệu quả cao như bà con mong đợi.
“Tiếng lành đồn xa”, thương hiệu tinh heo Sáu Bành dần trở thành địa chỉ tin cậy cho người chăn nuôi. Gia sản ông cũng ngày càng “nở nồi” thêm với 30 con nái, 55 con đực, trên 100 con heo thịt và mua thêm 17 công ruộng, lại thuê thêm 3 nhân công phụ trách phân phối tinh heo.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi, ông lên 4 công vườn trồng cây xanh và thanh long, tận dụng chất thải chăn nuôi, làm hầm biogas phát điện để phục vụ lại cho sản xuất như: bơm nước rửa chuồng trại, thắp sáng và duy trì hệ thống quạt gió trong khu chăn nuôi.
Từ khi có “của ăn, của để”, ông nhiệt tình tham gia các công tác xã hội như đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân, giúp đỡ hộ nghèo, hoặc khi địa phương có các phong trào cần tham gia đóng góp là ông luôn sẵn lòng. Theo ông Sáu Bành, để có được thành công như ngày hôm nay là nhờ vợ chồng ông biết đồng lòng, cần cù quyết tâm vượt khó.
Ông Sáu Bành là một trong những minh chứng sống động trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu trễ ở miền Tây Nam Bộ thu lợi nhuận khá lớn. Ông Trần Thanh Mẫn trồng 5 ha lúa ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Mới tuần trước tôi thu hoạch lúa hè thu bán ngay tại ruộng 5.000 đồng/kg, nay lúa đã tăng lên 5.100 đồng/kg đã làm mất một số tiền không nhỏ”. Dù bán lúa sớm mất tiền nhưng ông Mẫn vẫn thu được 15 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với những nông dân đã thu hoạch hơn 1 tháng trước đây.

Hiện nay, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đẩy mạnh việc ứng dụng và trồng nhãn chín muộn với thời gian chín muộn hơn nhãn chính vụ 1 tháng, qua đó giá trị đã được nâng lên rõ rệt.

Nhằm giúp người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh cao, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Viện Nghiên cứu) đã triển khai thực hiện Dự án “Phát triển nuôi thẻ chân trắng theo quy trình GAP” tại Bến Tre.

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với UBND phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) tổ chức hội thảo đầu bờ tổng kết chương trình IPM về biến đổi khí hậu trên cây lúa vụ hè thu năm 2012 với 30 học viên tham gia.

Vài năm qua người nuôi bò sữa thực sự có lãi nhờ giá thu mua của các nhà máy chế biến khá cao nên có xu hướng phát triển bền vững hơn. Bên cạnh hộ gia đình đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của các công ty chế biến sữa như Vinamilk, TH milk, Future milk, Mộc Châu milk… Thế nhưng, chăn nuôi bò sữa không chỉ có cơ hội mà còn gặp những thách thức mới.