Thủ Lĩnh Nông Dân

Ở xã Trà Giác (Bắc Trà My), nhắc đến Chủ tịch Hội Nông dân xã A Lăng Má, nhân dân địa phương coi anh như “chiếc phao” giúp đồng bào thoát nghèo.
“Dân mình còn nghèo quá! Nếu cứ phụ thuộc vào nương rẫy, chưa chắc đã đủ ăn. Do vậy mình phải có nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất để giúp bà con cải thiện dần cuộc sống”. Đó là trăn trở đầu tiên của A Lăng Má. Anh tâm niệm, một khi đã là chỗ dựa của dân, được dân tin yêu, kỳ vọng, bản thân mình phải phấn đấu để trở thành một “thủ lĩnh nông dân” thực sự. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được A Lăng Má giới thiệu rồi vận động, hướng dẫn bà con làm theo. Đã có không ít hộ thoát nghèo nhờ anh “đưa đường chỉ lối”.
Sinh năm 1984 trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ A Lăng Má thấu hiểu được cuộc sống khó khăn của bà con vùng cao. Đã hoàn thành chương trình Đại học Nông Lâm Huế và đang hoàn thành khóa học trung cấp chính trị, người con của núi rừng này luôn tìm những mô hình làm kinh tế hay, hiệu quả, phù hợp với địa phương để ứng dụng. Anh dành nhiều thời gian đến từng gia đình tìm hiểu và gợi mở nhiều hướng làm ăn tùy vào từng hoàn cảnh.
Với các hộ quá khó khăn, bước đầu anh trích quỹ hội hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng... tạo điều kiện cho các hộ đặt nền móng làm kinh tế. Mới đây, anh trích quỹ hỗ trợ cặp heo giống trị giá 2 triệu đồng cho hộ ông Trần Văn Chiến (ở thôn 4) “khởi sự” phát triển chăn nuôi. Ông Chiến vui lắm, bảo: “Được cán bộ Má và chi hội quan tâm, dân chúng tôi có điều kiện để làm ăn kinh tế. Vừa trồng trọt vừa chăn nuôi thế này, có thể cải thiện đời sống được rồi”.
Theo anh A Lăng Má, việc gần dân chính là “mấu chốt” để giải quyết ngọn ngành mọi công việc. Từ đó mới thấu hiểu được những mong muốn, khó khăn của nông dân. “Có gần dân, sát dân mới biết họ cần gì, gặp khó khăn như thế nào, vướng mắc ra sao trong sản xuất, mình có thể kịp thời giúp tháo gỡ” - anh Má bộc bạch. Hằng năm anh đặt ra mục tiêu giúp từ 1 - 2 hộ thoát nghèo với những hướng đi cụ thể, hỗ trợ thiết thực. Vì quỹ hội rất khiêm tốn nên A Lăng Má tích cực đi vận động, gõ cửa nhiều nơi để có nguồn hỗ trợ “cần câu” cho bà con.
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 30.6 - 3.7, A Lăng Má là chủ tịch hội nông dân cơ sở tiêu biểu được bầu chọn tham dự. Anh tâm sự, đây là niềm vinh dự cho bản thân, mặt khác cũng là trách nhiệm lớn lao đối với bà con địa phương. Biết tin A Lăng Má sắp ra Hà Nội dự đại hội, bà con thường kéo tới nhà để chúc mừng và gửi gắm niềm tin vào anh. “Bà con đặt niềm tin, kỳ vọng vào mình rất nhiều. Đây là cơ hội tốt để gặp gỡ, học hỏi nhiều mô hình, kinh nghiệm làm kinh tế về giúp lại đồng bào mình thoát nghèo” - A Lăng Má chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Những cơn mưa lớn xuất hiện đột ngột trong những ngày qua làm môi trường ao nuôi tôm biến động, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn, vi-rút phát triển gây bất lợi cho tôm nuôi, đặc biệt ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các loại bệnh lạ xuất hiện và phát sinh trên diện rộng như bệnh gan tụy.

Qua 10 năm đầu tư chăn nuôi heo, chị Nguyễn Dương (thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) rút ra kinh nghiệm: Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, muốn thoát nghèo, làm giàu phải từ chăn nuôi.

Phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc không xử lý hoặc xử lý rác thải không đúng quy trình, bằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng và chi phí nhân công đang là trở ngại lớn cho nhiều địa phương

Nuôi heo rừng là mô hình đang được các ngành chức năng nghiên cứu nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, từng bước vươn lên thành khá giàu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tuần rồi, giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL đã giảm từ mức 5.650–5.750 đ/kg của tuần trước xuống còn 5.250-5.400 đkg (giảm 350-400 đ/kg), lúa khô chất lượng cao cũng từ mức 5.800–5.900 đ/kg giảm xuống còn 5.450–5.600 đ/kg (giảm 300-350 đ/kg). Gạo hàng hóa cũng giảm mạnh.