Bắc Bình Được Mùa, Được Giá Và Cảnh Báo

Nắng nhiều cộng thêm có nước giúp cây trồng ở Bắc Bình phát triển ở thế tốt nhất có thể nhưng cũng đồng thời góp phần quyết định việc thiếu nước, khi nguồn nước ở các hồ thủy lợi đều tùy thuộc vào tình hình phát điện của thủy điện Đại Ninh...
Được 2 trúng
Những ngày qua, một số vùng đồng ở Bắc Bình đã cho thu hoạch lúa đông xuân, tính ra chỉ khoảng 5% so với tổng diện tích 9.000 ha lúa vụ này trên địa bàn huyện. Năng suất đạt từ 8 - 8,5 tấn/ha, bước mở màn mùa vụ đã thấy cao hơn cùng thời điểm năm trước từ 1 - 2,5 tấn/ha và cũng báo hiệu những diện tích khác sẽ đạt năng suất tương tự, có khi còn cao hơn. Nhiều lão nông khẳng định như thế, vì qua tết đến giờ, trời nắng lớn, nước không thiếu.
Cộng thêm nông dân năng chăm sóc, phát hiện và khắc phục sâu bệnh sớm, cùng giá lúa tăng dần từ trước tết đến nay. Hiện lúa đang có giá 7.400 đồng/kg, tăng 20% so với giá lúa cùng thời điểm năm trước nên quy ra, 1 ha lúa thu về khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí có lãi hơn vụ đông xuân trước.
Không chỉ thế, nhờ kéo dài các tuyến kênh tận dụng nước từ hồ PoPo, hồ Năm Heo nên vụ này nhiều nông dân ở Bình An, Phan Hòa, Phan Thanh... đã khai hoang sản xuất thêm khoảng 700 ha. Vì vậy, vụ lúa đông xuân này, nông dân Bắc Bình khấp khởi chuyện bội thu.
Trong khi đó, những nhà vườn trồng thanh long ở đây đã và đang trúng vụ thanh long chong đèn. Với giá 28.000 – 30.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn thu về con số vài trăm triệu đồng, một mức thu phổ biến ở Bắc Bình. Vì mới phát triển thanh long rộ 2 - 3 năm nay nên các nhà vườn Bắc Bình cũng không có cơ hội so sánh rõ mùa chong đèn này thu đạt nhiều hay ít so với trước như các vùng khác.
Tuy nhiên, bây giờ ở đây, chưa có cây trồng nào được trồng rầm rộ như cây thanh long. Cùng với những kênh mương được nối dài, nước về giúp nhiều vùng đất hoang được đưa vào trồng lúa, các vùng đất khác, dân tính toán trồng thanh long. Theo báo cáo của huyện, diện tích thanh long trên địa bàn 1.517 ha. Còn theo diện tích thanh long đề nghị được cung cấp nước là 3.000 ha. Nhưng trên thực tế, nhiều người ước tính toàn địa bàn huyện đã lên khoảng 5.000 ha.
Nhen nhuốm nguy cơ
Chỉ còn gần 20 ngày nữa là các cánh đồng trên địa bàn huyện sẽ dứt nước đợt cuối để lúa chín thu hoạch. Nhưng hiện tại, mực nước hồ Cà Giây, nơi nhận nước xả đầu tiên của thủy điện Đại Ninh đang có dung tích hữu ích 7,5 triệu m3, thấp hơn 4,5 triệu m3 so cùng thời điểm năm ngoái. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước và việc giãn mùa vụ gieo trồng hè thu có thể xảy ra.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chi nhánh Bình Thuận, nếu thời tiết năm nay thuận lợi, cộng thêm thủy điện Đại Ninh phát điện, xả nước đáp ứng yêu cầu theo văn bản của UBND tỉnh thì vụ hè thu này ở Bắc Bình cũng triển khai trễ hơn năm ngoái từ 10 - 20 ngày.
Theo dự báo, năm nay mùa mưa sẽ đến trễ, trong khi Bắc Bình thường có ngày nắng cao, tỷ lệ bốc hơi nhanh và việc sản xuất chỉ bắt đầu khi các hồ tích được một lượng nước đảm bảo.
Các nông dân, nhất là nhà vườn trồng thanh long quan sát thấy có những thời điểm thủy điện xả nước nhiều nhưng cũng có lúc xả rất ít nên ước có một hồ chứa khác bên cạnh hồ Cà Giây để tích nước thì không phải lo nhiều.
Thực ra, trong quy hoạch thủy lợi Bình Thuận đến 2020 có kế hoạch xây dựng hồ Sông Lũy, hồ chứa nước quyết định sản xuất kinh doanh trong mùa khô không chỉ cho Bắc Bình, Tuy Phong mà cả huyện Hàm Thuận Bắc, tính theo kênh 812 - Châu Tá.
Việc mở rộng diện tích sản xuất của cây lúa, thanh long trong năm nay ở đây đã báo hiệu việc thiếu nước gay gắt sẽ diễn ra trong mấy năm tới, nếu như không kịp thời xây dựng hồ Sông Lũy hay một phương án khác để chủ động nguồn nước.
Có thể bạn quan tâm

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai tại địa phương, những năm qua nhiều gia đình ở thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng cây con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Hướng phát triển sản xuất này giúp cho nhiều gia đình trong thôn vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống.

Vừa qua, Trạm Khuyến Nông Huyện Cần Giờ trực thuộc Trung tâm Khuyến Nông TP.HCM đã tổ chức hội thảo nghiệm thu mô hình “Nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng GAP” tại xã Bình Khánh với sự tham gia của 6 hộ với tổng diện tích 24.000 m2, Trung tâm Khuyến Nông TP.HCM đầu tư hổ trợ 1.920.000 con tôm giống.

Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội thảo nhân rộng mô hình (MH) chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học tại huyện Hoài Ân. Đây là MH chuyển giao tiến bộ KHKT mới, mang lại hiệu quả cao không chỉ về mặt kinh tế mà còn có hiệu quả về mặt môi trường và mang tính bền vững cao.

Về huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), chúng ta không chỉ thưởng thức được hương vị của bánh tét Trà Cuôn, mà còn được thưởng thức hương vị thơm ngon của tôm khô Vinh Kim – một đặc sản đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng tôm khô Vinh Kim đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu.

Từ điểm trình diễn này, sẽ là cơ sở gợi mở, giúp cho bà con nông dân ở Cà Mau có thể lựa chọn thêm những loại hình sản xuất, chăn nuôi mới phù hợp để áp dụng vào thực tế của từng địa phương, gia đình góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông hộ.