Thoát Nghèo Từ Rau Ngót

Với hơn một sào đất vườn, giá thị trường luôn giữ ở mức ổn định, cây rau ngót đã góp phần cải thiện kinh tế gia đình ông Lê Quốc Ba (thôn Quảng Đại 2, Đại Cường - Đại Lộc).
Sau chiến tranh, ông Ba trở về quê làm nông với một cái chân cụt. Đi lại khó khăn, những lúc trái gió trở trời chân lại đau nhức, nhưng điều đó không ngăn cản được quyết tâm vươn lên của ông. Thiếu đi bàn chân nhưng ông Ba không thua kém một người bình thường, vẫn có thể lái máy cày làm đất trên những mảnh ruộng của làng. Hết công việc đồng áng, ông lại chuyển sang thâm canh mấy sào đất hoa màu ven bãi bồi sông Thu.
Hết thời vụ là những ngày nông nhàn, ông lại trở về với sào đất trồng chuối trong vườn để kiếm thêm khoản thu nhập trang trải chi tiêu. Bỏ nhiều công chăm sóc nhưng chuối thường bị bệnh lùn lá, đến lúc thu hoạch lại không đáng là bao khiến ông nhiều đêm trăn trở, muốn tìm một hướng đi mới hiệu quả hơn. “Cây chuối không chịu được nắng nóng, cứ độ hè là bị phung đọt, không cho buồng được nữa phải đào gốc trồng lại tốn công lắm” - ông Ba cho biết.
Xem ti vi, thấy xã bên được lên truyền hình về phương pháp trồng rau ngót đem lại hiệu quả kinh tế, ông Ba quyết định dành thời giờ tìm hiểu. Hễ rảnh lúc nào là ông lại chạy xe đến từng hộ chuyên trồng để học hỏi cách canh tác cây rau ngót.
Ông còn đến các chợ với mục đích nắm bắt nhu cầu thị trường về loại rau này, tìm hiểu sức mua của người dân rồi mới đi đến trồng thử nghiệm. Thời điểm ông Ba bắt đầu trồng, một lon hạt ngót có giá 50 nghìn đồng, như vậy với một sào đất vườn phí đầu tư hạt giống chưa tới 200 nghìn đồng, phù hợp với khả năng của người nông dân.
Ông Ba cho hay, hạt giống mua về đảm bảo độ nảy mầm tới 90%, cây mọc rất khỏe, mau ra nhánh, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Khác với những loại cây trồng khác, rau ngót có thể thu hoạch quanh năm, thời gian thu hoạch tối đa là 5 năm, sau đó mới phá bỏ trồng lại.
Ba năm qua, vườn rau ngót phát triển mạnh và cho lá đều. Ông Ba cho biết: “Cây rau ngót ưa nắng, có nắng là cây phát triển nhanh, mỗi tháng có thể thu hoạch 2 - 3 lứa. Vào mùa mưa, cây phát triển chậm hơn, chừng 1 - 1,5 tháng mới thu hoạch 1 lứa.
Trung bình mỗi tháng thu hoạch từ 1 - 2 lứa, mỗi lứa thu lời 600 - 700 nghìn đồng. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng còn dư gần chục triệu đồng từ việc bán rau. Công việc này thật sự nhẹ nhàng và rất hiệu quả nên tôi sẽ tận dụng triệt để diện tích đất trong vườn để mở rộng chuyên canh cây rau ngót trong thời gian tới” - ông Ba nói.
Có thể bạn quan tâm

Do môi trường và thời tiết thay đổi, chuyển mưa chính vụ, buổi sáng trời nắng nóng, buổi chiều mưa rải rác nên vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại hơn 12.951 ha.

Ngày 4.6, trao đổi với phóng viên NTNN, lão nông Nguyễn Văn Ơn buồn bã cho biết: “Mấy ngày nay giá dâu bòn bon chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi những năm trước, khi vào chính vụ, thương lái vẫn vào tận vườn hái mua với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, dâu bon rớt giá thảm hại mà thương lái không buồn mua”.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Thủy sản đã thực hiện các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên (Thái Nguyên) đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân địa phương.

Sóc Trăng có trên 18 ngàn ha nuôi thủy sản nước ngọt. Ưu thế của các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt là có thể kết hợp với các mô hình khác, như mô hình lúa – cá, vườn– ao –chuồng hoặc đơn giản chỉ là nuôi nhiều loại cá trong cùng một diện tích, giúp nông dân thu nhập từ nhiều nguồn. Trong đó cá tai tượng được nhiều nông dân chọn nuôi vì cho thu nhập rất cao.

Sau hơn 20 năm gắn bó với cây điều, anh đã tìm tòi, nghiên cứu phương pháp ghép mới. Anh lấy chồi của những cây điều sai trái ghép vào các cây điều già. Chồi ghép trên thân cây điều già phát triển rất tốt. Sau khoảng 9 tháng đã cho trái.