Thoát Nạn Bán Phá Giá Tôm

Mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ tháng 2/2011- 2/2012 với thuế suất 0%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 7/2013, tôm xuất sang Mỹ đã đạt 337,6 triệu USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm (1,4 tỷ USD) của Việt Nam. Trong năm nay, ngành tôm Việt Nam kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD.
Việc DOC quyết định thuế chống bán phá giá (CBPG) 0% không phải đã an toàn, vì theo các quy định của Mỹ, mỗi năm đều có rà soát cuối cùng để quyết định đưa mặt hàng nào đó ra khỏi danh mục các sản phẩm CBPG. Đây chỉ là mức thế tạm tính trước khi có các kết quả của đợt xem xét lần thứ 8 tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Bang- Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cửu Long- cho hay, thuế suất 0% chỉ cho giai đoạn từ năm 2011-2012, trong năm 2013 vẫn còn đang chờ kết quả nên chưa thể mừng vội. Do vậy giá mua nguyên liệu tôm trong thời gian tới vẫn chưa thể đẩy lên cao để chia sẻ khó khăn với người nuôi.
Về phía người nuôi tôm, một chủ một cơ sở nuôi tôm lớn tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, thông tin về việc Mỹ gỡ bỏ mức thuế CBPG đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm là một thông tin tốt. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm hơn cả là nguồn vốn để nuôi mới, vì hiện nay, nông dân đang phải thu hẹp diện tích nuôi tôm vì không còn đủ vốn đầu tư ao nuôi, con giống và thức ăn sau các vụ thua lỗ trước. Bản thân cơ sở nuôi tôm của ông mọi năm đều có sản lượng trên 200 tấn, nhưng đến thời điểm này chưa tới 100 tấn, giảm hơn 50%.
Theo nhận xét của nhiều người nuôi tôm, việc Mỹ xóa bỏ thuế CBPG với tôm Việt Nam thì các DN sẽ được hưởng lợi nhiều. Vì thông thường trong quá trình thỏa thuận mua tôm nguyên liệu, các DN chế biến thường vin vào cớ phải đóng các khoản thuế như CBPG, chống trợ cấp và dư lượng các chất kháng sinh để giảm giá mua khoảng 9.000 - 10.000 đồng/kg tôm. Do vậy, nếu các DN được giảm thuế khi xuất khẩu mà vẫn mua với giá như hiện nay thì chắc chắn lợi nhuận của DN sẽ nhiều hơn. Còn DN có chia sẻ lợi nhuận với người nuôi hay không thì... khó biết được.
Theo Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), hiện nay do sắp vào mùa lạnh nên nông dân đã dừng thả nuôi tôm. Phải đến khoảng tháng 12/2013, người dân ở các vùng Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau mới bắt đầu nuôi mới nhiều.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi xuất khẩu (XK) nhiều mặt hàng nông sản suy giảm, XK sắn lại tăng vọt: 10 tháng đầu năm 2015, XK sắn đạt 3,42 triệu tấn với kim ngạch 1,09 tỷ USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 19,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Một số trang trại thanh long ở Bình Thuận đang nỗ lực sản xuất theo quy trình GlobalGAP để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính.

Ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” đều cho rằng DN Việt Nam vẫn chưa quen, thiếu chủ động, chưa biết sử dụng công cụ PVTM.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 10/2015 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/10/2015) cả nước đã xuất khẩu được 687.663 tấn gạo, trị giá FOB là 269,502 triệu USD, trị giá CIF là 281,884 triệu USD.

Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen vừa công bố cho thấy trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng (NTD) tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chiều hướng sụt giảm trong quý III/2015, thì niềm tin NTD Việt tăng nhẹ, đạt 105 điểm, xếp thứ 10 trên toàn cầu về mức độ lạc quan.