Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thị trường ngư cụ trầm lắng

Thị trường ngư cụ trầm lắng
Ngày đăng: 26/08/2015

Đến nay, các tiểu thương ở thị trấn Cái Tắc đã chuẩn bị phong phú nhiều mặt hàng ngư cụ để phục vụ nhu cầu thị trường nhưng sức mua vẫn còn thấp. Theo đó, các tiệm bán câu lưới ở chợ này vẫn trong tình cảnh “mòn mỏi đợi khách”. Chị Vạn Thị Kim Phượng, tiểu thương bán ngư cụ ở chợ Cái Tắc cũng trăn trở vì không có người mua. Cả buổi sáng, cửa hàng của chị chưa bán được đồng nào. “Ba, bốn chỗ gần đây cũng vậy, ế ẩm lắm! Chứ mọi năm là nườm nượp người ra vào, bán không kịp”, chị Phượng than thở.

Ở một số địa phương như huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, nước vẫn chưa tràn nhiều vào nội đồng, nhưng mưa bắt đầu xuất hiện nhiều. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho bà con đánh bắt tôm, cá đầu mùa. Vì thế khoảng 10 ngày nay, nghe ếch đã kêu râm rang ở các cánh đồng, chị Nguyễn Thị Kim Nhung, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, quyết định mua câu về tranh thủ buổi tối để cắm ếch. “Bữa nào mưa nhiều thì trúng đậm, bán cũng được một hai trăm ngàn. Đợi cá lên ruộng rồi mới thả lưới. Chắc cũng nửa tháng nữa thôi là giăng được rồi”, chị Nhung chia sẻ.

Thực tế, sức mua các mặt hàng như lưới, câu, dớn, lợp chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào lượng cá tôm đổ về đồng ruộng trong giai đoạn bắt đầu mùa nước nổi. Thế mà đến nay, ở một số địa phương có đông đảo cư dân sinh sống bằng nghề câu lưới như huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, lượng nước tràn về nội đồng vẫn chưa đáng là bao nên sự trầm lắng của thị trường ngư cụ lúc này cũng là điều dễ hiểu.

“Người bán mỏi mòn trông, còn người mua thưa thớt” là thực trạng phổ biến ở nhiều nơi. Chợ Kinh Cùng từ lâu được biết đến như một điểm buôn bán ngư cụ có tiếng trên thị trường, bởi sản phẩm chất lượng và uy tín. Một tín hiệu vui là những ngày gần đây, đã bắt đầu xuất hiện người mua đến từ các vùng lân cận. Ông Lưu Văn Nhứt, tiểu thương buôn bán ngư cụ tại chợ Kinh Cùng gần 40 năm nay, cho biết cả năm cái nghề buôn bán ngư cụ này chỉ rộ vào mùa nước nổi. Cho nên, ông chỉ hy vọng vào đầu tháng 8 âm lịch sắp tới, nước lên thì sức mua sẽ tăng vọt. Và giá có thể nhích lên một chút, dự đoán chỉ dao động nhẹ từ 1.000-3.000 đồng tùy theo sản phẩm.

Ông Nhứt thừa nhận: “Mấy ngày nay, sức mua có cải thiện hơn một chút. Nhất là ở đây tôi đặt hàng ở vùng trên, tận miệt Long Xuyên, An Giang nên chất lượng khỏi chê. Nhờ vậy mà bà con trong vùng đến mua nhiều lắm. Có người mua vài trăm thước lưới, rồi nào là câu, lợp nữa”.

Trong khi đó, khoảng một tháng nay, các cơ sở gia công mặt hàng ngư cụ đã bắt đầu tăng tiến độ hoạt động. Theo chị Quyên, chủ tiệm lưới Út Quyên, ở ấp Hòa Quới, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, là nơi chuyên cung cấp sỉ và lẻ mặt hàng lưới cho khu vực Long Mỹ, Vị Thủy nhiều năm nay. Tại đây giá nguyên liệu đầu vào, kể cả thuê mướn nhân công không tăng, nên giá bán ra thị trường hiện vẫn bình ổn. “Vùng mình chủ yếu bán lưới, bởi vậy năm nào tôi cũng nhập lưới cây, rồi chì, phao về sớm để thuê nhân công làm trước. Sản phẩm mình làm ra không chỉ giá cả thuận mua vừa bán, mà còn phải đảm bảo chất lượng tốt cho bà con sử dụng. Đáng buồn là vài năm trở lại đây, hễ bà con tới mua là tôi cứ nghe than phiền cá không còn nhiều như trước nữa. Lượng khách vì thế mà cứ giảm dần theo từng năm”, chị Quyên lo lắng.

“Lượng khách giảm dần qua từng năm” cũng là một minh chứng thực tế đáng buồn về nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm. Điều này lý giải một phần nguyên nhân vì sao đầu mùa nước nổi, thị trường ngư cụ vẫn “lèo tèo”, và hình ảnh ngư dân cứ thưa dần.


Có thể bạn quan tâm

Củ Hành Tím Được Mùa, Được Giá Củ Hành Tím Được Mùa, Được Giá

Vụ mùa củ hành tím năm 2013, nông dân xã Tân Điền (Gò Công Đông - Tiền Giang) xuống giống 150 ha, nhiều nhất ở ấp Nam và ấp Trung.

16/12/2013
Hiệu Quả Sản Xuất Của Cánh Đồng Mẫu Lớn Hiệu Quả Sản Xuất Của Cánh Đồng Mẫu Lớn

ĐBSCL là vùng trồng lúa quan trọng nhất cả nước. Mặc dù năng suất và sản lượng lúa gia tăng, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.

16/12/2013
Buông Lỏng Kiểm Tra Thức Ăn Thủy Sản, Nông Dân “Lãnh Đủ” Buông Lỏng Kiểm Tra Thức Ăn Thủy Sản, Nông Dân “Lãnh Đủ”

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất gần 4 triệu tấn thức ăn thủy sản (TĂTS) nhưng việc kiểm soát chất lượng mặt hàng lại đang bị buông lỏng, khiến nông dân hứng chịu không ít thiệt hại.

16/12/2013
Sơ Kết Mô Hình Chuỗi Thí Điểm Cá Rô Đồng Theo Hướng An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Sơ Kết Mô Hình Chuỗi Thí Điểm Cá Rô Đồng Theo Hướng An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm

Ngày 12-12, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác triển khai mô hình chuỗi thí điểm cá rô đồng cung cấp thực phẩm an toàn tại tỉnh Hậu Giang năm 2013. Đến dự, có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Nam bộ, một số tỉnh khu vực ĐBSCL và nông dân trên địa bàn tỉnh.

16/12/2013
“Phất Lên” Nhờ Nuôi Lươn Không Bùn “Phất Lên” Nhờ Nuôi Lươn Không Bùn

“Hồi mới bắt tay vào nuôi lươn không bùn, nhiều người tới coi, tỏ ra bán tín bán nghi, cứ lắc đầu vì làm như thế là khác với tập tính của lươn ngoài tự nhiên. Không nản chí, ngày đêm vợ chồng tôi âm thầm thay nhau chăm sóc đàn lươn. Không phụ lòng người, đàn lươn trong bể phát triển từng ngày thấy rõ, gia đình thu lãi 50 triệu đồng sau 6 tháng nuôi” – Ông Hồng cho hay.

16/12/2013