Kênh Tiền Tỷ Nằm Chờ Đồng Ruộng Cải Tạo

Công trình cải tạo đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa 36 ha đất ruộng tại thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) chính thức khởi công vào năm 2010. Nhưng đến thời điểm này, sau 4 lần gia hạn, UBND xã Nghĩa Lâm mới chỉ cải tạo được 4,7 ha.
Về xứ đồng “khát”
Dưới cái nắng gần 40 độ của buổi trưa tháng 5, nhưng những nông dân ở xứ đồng Thổ Bến Bảy Tề, xứ đồng Thổ Chợ và Thổ Đảm của thôn 1, thôn 2 xã Nghĩa Lâm vẫn gắng gượng vun xới đất. Chân ruộng gồ ghề, nơi gò, chỗ trũng cộng với hệ thống kênh mương chưa hoàn thiện, khiến việc sản xuất của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đoàn Sáng, thôn 1, xã Nghĩa Lâm phân trần: “Ruộng chỗ lồi, chỗ lõm, khiến cho chúng tôi tốn thêm rất nhiều công sức trong việc đảm bảo tưới tiêu. Nơi thì lõm xuống như ao cá, nơi thì gồ lên như cái gò, làm sao nước có thể chảy đồng đều qua các ruộng”.
Không chỉ khổ vì mặt ruộng không bằng phẳng, mà sự manh mún ruộng đất tại các xứ đồng này còn khiến cho việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hóa vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Các xứ đồng chưa có hệ thống giao thông nội đồng liên vùng nên gây khó khăn cho việc vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch. Vì thế, việc cải tạo đồng ruộng kết hợp với dồn điền đổi thửa cho các xứ đồng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Kênh “đắp mền” chờ ruộng
Nhằm tạo điều kiện cho người dân các xứ đồng trên có thể thuận lợi sản xuất, năm 2012, UBND huyện Tư Nghĩa đã tiến hành kiên cố hóa hệ thống kênh NBm2A để cung cấp nước tưới cho hàng chục hecta hoa màu nơi đây. Tuy nhiên, do kênh NBm2A thấp hơn so với mặt ruộng nên kênh NBm2A chỉ có thể phát huy được tác dụng, nếu như việc cải tạo 36ha ruộng của các xứ đồng trên hoàn thành.
Trong khi kênh tiền tỷ phải “đắp mền” chờ, thì công trình cải tạo đồng ruộng với diện tích 36 ha dù đã bắt đầu thực hiện từ năm 2010, nhưng đến giờ vẫn mới chỉ cải tạo chưa đến 5ha. Lý giải về vấn đề này, ông Trương Văn Lệ - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: “Đặt ý kiến của người dân lên trên hết.
Nên trước khi triển khai cải tạo, chúng tôi đều tổ chức họp dân để trưng cầu ý kiến. Tuy nhiên, bên cạnh những người đồng tình ủng hộ vẫn còn nhiều hộ dân kiên quyết phản đối vì lo sợ san ủi đất xong, ruộng sẽ bị ngập úng.
Dù chúng tôi đã hết lòng giải thích vai trò của cải tạo đồng ruộng, nhưng tại một số xứ đồng, chúng tôi vẫn chưa thể thống nhất được ý kiến”.
Ngoài lý do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, ông Lệ còn cho biết thêm: “Công tác cải tạo chậm tiến độ còn vì vướng phải hành lang đường bộ do nằm sát tỉnh lộ, đồng thời một số người dân đòi hỏi chi phí đền bù hoa màu quá cao, nên địa phương không có nguồn kinh phí để chi trả”.
Vậy là trong khi chờ đợi sự thống nhất của người dân, con kênh NBm2A chảy ngang qua các xứ đồng dù có nước dồi dào nhưng ruộng đồng nơi đây vẫn phải chịu cảnh triền miên trong “cơn khát”.
Là một trong những mục tiêu quan trọng trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay, do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nên xã Nghĩa Lâm vẫn chưa thể dồn điền, đổi thửa, sắp xếp lại ruộng đồng. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải nỗ lực hơn nữa mới đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Cho đến thời điểm này, sản lượng khai thác hải sản 8 tháng đầu năm được 125.912 tấn, đạt 67,35% kế hoạch năm và tăng 101,5% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá từ Chi cục Thủy sản, những tháng đầu năm do thời tiết và ngư trường không thuận lợi, gió bấc thổi mạnh nên hoạt động khai thác theo đó gặp không ít khó khăn, hầu như tàu thuyền ít hoạt động trên biển.

Từ một người làm thuê trở thành chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Đãi (SN 1958), phường Mũi Né, TP Phan Thiết không chỉ tham gia đánh bắt hải sản xa bờ mà còn trao đổi những kinh nghiệm về kỹ năng vượt sóng gió và cách phát hiện luồng cá cho ngư dân.

Cách nay hơn 2 tháng, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau chọn xã Tân Thành làm điểm chỉ đạo xây dựng điểm trình diễn thực hiện mô hình nuôi gà chuyên đẻ trứng giống Ai Cập.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, năm 2014, huyện Hà Quảng đầu tư 6 tỷ 506 triệu đồng thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, vụ đông xuân 2013-2014, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng ngắn ngày chính trong vụ là 1.165 ha, đạt 101% kế hoạch. Sản lượng lương thực quy thóc trong vụ đạt 1.883 tấn, đạt 115% kế hoạch, tăng 582 tấn so với vụ trước.