Tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất sản xuất vụ mùa

Đến ngày 21-6, toàn tỉnh đã cày được gần 25.000ha, bừa được xấp xỉ 21.000ha, gieo cấy được khoảng 1.500ha, quá chậm so với khung lịch thời vụ, trong đó nhiều diện tích có thể sản xuất vụ đông bà con nông dân vẫn chưa tiến hành làm đất.
Ông Lê Toàn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu khiến tiến độ làm đất sản xuất vụ mùa năm nay diễn ra chậm hơn mọi năm là: Số lượng trâu bò phục vụ cho việc làm đất ngày càng ít, người nông dân chủ yếu thuê các loại máy làm đất trong khi số lượng máy chưa đáp ứng được nhu cầu; hầu hết nông dân không còn kiểu làm dầm, đổ ải như trước, chủ yếu thuê máy cày, bừa dập luôn gốc rạ một lần rồi cấy do chi phí thuê máy móc khá cao; nhiều địa phương do thiếu lao động nên không chủ động được thời gian cày cấy; một bộ phận người nông dân có tâm lý không muốn làm vụ mùa, vụ đông do hiệu quả kinh tế mang lại không cao…”
Xác định vụ mùa và vụ đông vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây như ngô, sắn, đậu tương, rau xanh là nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; phụ phẩm có thể làm thức ăn dự trữ phòng đói, rét cho mùa đông hoặc làm phân xanh cải tạo đồng ruộng, Sở NN & PTNT đã đề nghị UBND các huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn đôn đốc bà con đẩy nhanh tiến độ làm đất, đặc biệt là trà mùa sớm và mùa trung, đảm bảo khung lịch sản xuất vụ đông.
Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con về tầm quan trọng của vụ mùa, vụ đông; đôn đốc bà con tận dụng sức kéo của trâu, bò để làm đất; những diện tích nhỏ lẻ có thể cuốc, cày bừa tay; huy động máy móc tập trung làm dứt điểm đối với những diện tích gieo cấy trà mùa sớm, mùa trung để có thể sản xuất vụ đông; khẩn trương xuống giống; cấy đúng lịch và đảm bảo kỹ thuật; đối với những diện tích bừa dập gốc rạ có thể sử dụng chế phẩm để giúp rơm rạ nhanh chóng phân hủy (cần lưu ý nếu rạ chưa kịp phân hủy đã cấy thì trong quá trình rạ mục sẽ tạo ra khí độc khiến cây lúa bị ngộ độc, sức tăng trưởng kém, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và khả năng phòng bệnh). Bên cạnh đó, cần chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tiếp tục tu bổ hệ thống kênh mương để tưới dưỡng trong tình huống có thể xảy ra khô hạn hoặc tiêu úng nếu xảy ra mưa lũ…
Các địa phương cần theo dõi, đôn đốc bà con cố gắng hoàn thành kế hoạch đề ra, đảm bảo diện tích sản xuất, tránh tình trạng bỏ hoang hóa ruộng đất. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để đưa các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế, phù hợp với thời vụ, điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh vào nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, giải quyết phần nào tình trạng một bộ phận nông dân có tư tưởng chán ruộng đất không mặn mà với sản xuất như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 12.11, phóng viên NTNN đã đến cảng Cái Rồng, Vân Đồn. Chỉ 30 giờ trước, vùng biển này là nơi kinh hoàng với mọi người bởi cơn bão số 14 đổ vào với mưa lớn và gió giật cấp 13 tàn phá.

Ở tuổi 30, Nguyễn Thanh Quang ở thị trấn Thạnh Mỹ huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã biết làm giàu ngay trên chính quê hương của mình bằng mô hình nuôi heo rừng.

Ngày nay, các món ăn từ dế đã trở thành đặc sản nhưng nguồn dế tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu. Nắm bắt được xu thế đó, nhiều nông dân trẻ đã tìm tòi và nuôi thành công loài vật này, giúp tăng thu nhập gia đình, có điều kiện vươn lên làm giàu. Anh Trần Quốc Trí (ấp Tân Bình, xã Tà Đảnh, Tri Tôn, An Giang) là một trong số đó.

Ngày 13-11, Ban Quản lý dự án Lifsap Đồng Nai đã tổ chức hội thảo giới thiệu quy trình VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt). Hơn 100 hộ chăn nuôi, đại diện các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và các huyện đã về tham dự. Hội thảo nhằm hướng dẫn người chăn nuôi chăn nuôi an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt, tạo ra thương hiệu thịt sạch của Đồng Nai.

Hộ anh Đỗ Trường Sơn, ngụ tại ấp Phú Tây, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi trong chăn nuôi heo. Gia đình anh Sơn có nhà máy xay xát và kinh doanh lúa gạo. Tuy nhiên, anh là giáo viên, vợ anh hằng ngày tất bật với công việc hàng xáo nên khó có thể phát huy lợi thế này. Vì vậy, anh Sơn luôn trăn trở, tìm tòi lời giải bài toán: Làm thế nào vừa có thể chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, trong hoàn cảnh ít nhân lực như gia đình anh?