Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tập Trung Đầu Tư Vốn Vào Tam Nông

Tập Trung Đầu Tư Vốn Vào Tam Nông
Ngày đăng: 27/08/2014

Thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên đã tập trung đầu tư cho “tam nông”, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân trên địa bàn tỉnh có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Trước đây, vì thiếu vốn nên gia đình bà Vương Thị Hấn ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) chỉ buôn bán gạo nhỏ lẻ, tiền lời không kiếm được là bao.

Từ ngày Agribank Phú Yên triển khai cho nông dân vay tín chấp, bà Hấn đã mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn, đồng thời bỏ thêm tiền nhà để đầu tư mua máy xay xát gạo, làm dịch vụ. Kinh doanh hiệu quả, đến hạn, bà Hấn trả hết nợ và tiếp tục vay mới bằng hình thức tín chấp theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP để mua lúa tích trữ, mua bò nghé về nuôi.

Bà Hấn cho biết: Người dân nông thôn rất chí thú làm ăn nhưng do thiếu vốn nên rất khó mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc Agribank Phú Yên cho nông dân vay không cần tài sản đảm bảo đã giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận vốn để triển khai các mô hình làm ăn mới, cải thiện đời sống gia đình.

Ông Lê Đệ ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) vay vốn từ Agribank Phú Yên để trồng rau và hoa. Làm ăn hiệu quả, ông được bà con và cán bộ ngân hàng tin tưởng chọn làm tổ trưởng tổ vay vốn của Hội Nông dân. Ông Đệ cho hay: Tổ vay vốn của tôi có 30 thành viên với dư nợ khoảng 760 triệu đồng. Hầu hết mọi người đều dùng vốn để sản xuất, chăn nuôi, hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải…

Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, đồng vốn phát huy hiệu quả nên nhiều hội viên trong tổ đã cải thiện được cuộc sống, làm giàu chính đáng. Một số người còn mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, được ngân hàng cung ứng vốn kịp thời nên ăn nên làm ra, được công nhận là nông dân sản xuất giỏi các cấp.

Theo Giám đốc Agribank Phú Yên Trần Minh Mẫn, nhờ triển khai tốt Nghị định 41 nên 4 năm qua, ngân hàng này đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho hàng trăm ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. “Nghị định 41 ra đời đã giúp khơi thông tín dụng, tạo nhiều ưu đãi cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đa số người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng từng bước đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại”, ông Mẫn nói.

DƯ NỢ LIÊN TỤC TĂNG

Cách đây 4 năm, khi bắt đầu thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, Agribank Phú Yên đã ký thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để thành lập các tổ vay vốn và cho vay qua tổ. Từ đó đến nay, ngân hàng này đã giải ngân hơn 10.000 tỉ đồng cho hơn 80.800 lượt khách hàng vay vốn; trong đó có 71.428 cá nhân, hộ gia đình, 365 doanh nghiệp, còn lại là các hợp tác xã và tổ hợp tác.

Dư nợ cho vay theo nghị định này tăng từ 1.789 tỉ đồng (tháng 12/2010) lên 2.882 tỉ đồng (tháng 6/2014), hiện chiếm 83% tổng dư nợ của chi nhánh.

Theo ông Trần Văn Cư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đến nay, thông qua thỏa thuận liên ngành với Agribank Phú Yên, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập gần 1.000 tổ vay vốn với gần 24.000 tổ viên tham gia, dư nợ đạt hơn 695,6 tỉ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các hộ nông dân triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

“Hiện nhiều người dân sinh sống tại khu vực phường, thị trấn ở Phú Yên vẫn sản xuất nông nghiệp nhưng chưa thể vay vốn theo Nghị định 41. Vì vậy, Hội Nông dân Phú Yên kiến nghị ngân hàng nên mở rộng đối tượng vay sang khu vực thành thị có sản xuất nông nghiệp để nhiều người dân được hưởng lợi từ chính sách”, ông Cư nói.

Ông Trần Minh Mẫn cho biết: 4 năm qua, trong quá trình cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank Phú Yên đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục nắm bắt nhu cầu và triển khai có hiệu quả Nghị định 41/2010/NĐ-CP, các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm và cá tra, tôm; thực hiện cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản…

Agribank cũng sẽ đồng hành, tích cực đầu tư cho “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” bằng cách dành từ 50.000 đến 60.000 tỉ đồng khuyến khích các chi nhánh cho vay ngắn hạn đối với hộ sản xuất, cá nhân có nhu cầu vay mới và bổ sung vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh.


Có thể bạn quan tâm

Bình Định Khai Thác, Thu Mua Xuất Khẩu Cá Ngừ Đại Dương Theo Chuỗi Bình Định Khai Thác, Thu Mua Xuất Khẩu Cá Ngừ Đại Dương Theo Chuỗi

Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, tỉnh Bình Định đã quyết định loại 4 tàu cá của ông La Tình, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn ra khỏi mô hình khai thác, thu mua xuất khẩu cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi, đồng thời thu hồi 4 bộ thiết bị câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản đã lắp đặt trên 4 tàu cá của ngư dân này.

03/03/2015
Nuôi Tôm Theo Hướng VietGAP Nuôi Tôm Theo Hướng VietGAP

Năm 2014, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chuyển giao cho nông dân xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để nhân rộng cần có sự quan tâm nhiều hơn của ngành chức năng.

03/03/2015
Nuôi Nai Dưới Tán Rừng Nuôi Nai Dưới Tán Rừng

Dựa vào tán rừng, anh Đỗ Văn Tài (xã An Cư, Tịnh Biên, An Giang) đã khai thác lợi thế để phát triển chăn nuôi nai theo hình thức bán hoang dã, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây được xem là cách làm giúp các chủ rừng nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

03/03/2015
Mùa Ong Hút Mật Mùa Ong Hút Mật

Đồng Tháp Mười có hệ thống rừng tràm phong phú, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong, nên việc nuôi ong của người dân giảm được chi phí thức ăn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Công Sính đã thành lập mô hình nuôi ong lấy mật và hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên tham gia nuôi ong, giúp cho nhiều người ổn định cuộc sống và làm giàu.

03/03/2015
Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Ra Mắt Trang Trại Nuôi Bò Sữa Hiện Đại Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Ra Mắt Trang Trại Nuôi Bò Sữa Hiện Đại

Sáng ngày 27/02, Doanh nghiệp tư nhân Tân Tài Lộc tổ chức buổi ra mắt trang trại chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại chuyên nghiệp. Đến tham quan trang trại có ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Sóc Trăng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên.

03/03/2015