Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Ong Hút Mật

Mùa Ong Hút Mật
Ngày đăng: 03/03/2015

Mùa xuân, ở Đồng Tháp, bông tràm nở khắp các khu rừng, tỏa hương thơm quyến rũ cho các loài ong đua nhau bay đi hút mật làm nên vị ngọt cho đời.

Hút “vàng” từ thiên nhiên

Một ngày đầu xuân, chúng tôi chạy xe dọc theo tuyến đường ở xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông) gặp nhiều hộ dân đặt hàng trăm thùng nuôi ong liên tiếp nhau. Bắt chuyện với anh Nguyễn Văn Hút - một chủ nuôi ong mật, anh Hút cho rằng, Đồng Tháp có khí hậu thích hợp với loài ong mật. Gần đây, các khu vực gần rừng tràm được xem là vùng nguyên liệu lấy mật ong phong phú. Hàng năm, từ khoảng đầu tháng 1 dương lịch là nhiều người di chuyển đàn ong tới đây để nuôi dưỡng ong lấy mật.

Đồng Tháp Mười có hệ thống rừng tràm phong phú, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong, nên việc nuôi ong của người dân giảm được chi phí thức ăn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Công Sính đã thành lập mô hình nuôi ong lấy mật và hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên tham gia nuôi ong, giúp cho nhiều người ổn định cuộc sống và làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Tú Nguyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Công Sính cho biết: “Đây là mô hình mới được thành lập ở địa phương, khi thực hiện thử nghiệm ở vài hộ thấy có hiệu quả cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người”. Cũng theo bà Nguyên, trước đây, người dân thường vào rừng trái phép để săn bắt động vật, lấy mật ong, dễ gây cháy rừng. Từ khi được hỗ trợ vốn nuôi ong lấy mật phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã hạn chế xâm nhập vào rừng trái phép.

Trước đây, anh Phạm Vũ Linh (huyện Tam Nông), có thời gian nuôi ong mật cùng với người cô ở tỉnh Đồng Nai. Học được kinh nghiệm nuôi ong mật trong thùng, anh Linh trở về quê nhà bắt đầu nuôi ong gần rừng tràm ở huyện Tam Nông và di chuyển đàn ong đi khắp các tỉnh khác.

Qua hơn 4 năm nuôi ong, anh Linh đã phát triển nuôi hơn 600 thùng ong mật, mỗi năm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. “Hàng năm, khoảng 6 tháng nuôi ong ở huyện Tam Nông, sau đó, tôi di chuyển đàn ong đi tỉnh khác “dựng trại” nuôi tiếp khi những nơi này vườn cây vào mùa hoa nở. Tôi nghĩ nếu chính quyền địa phương hỗ trợ vốn cho người dân địa phương nuôi ong sẽ góp phần hạn chế vào rừng lấy mật ong bừa bãi gây cháy rừng” - anh Linh cho biết.

Làm nên vị ngọt cho đời

Ở Đồng Tháp có nhiều hộ dân nuôi ong với hàng ngàn thùng ong mật, mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn mật cho các công ty, doanh nghiệp để chế biến xuất khẩu cho thị trường trong và ngoài nước. Mật ong bán với giá khoảng 120.000 đồng/lít, mỗi tháng trung bình người nuôi ong thu nhập hàng triệu đồng. Ban đầu, anh Nguyễn Văn Hút “khởi nghiệp” nuôi ong từ nguồn vốn vay mượn, cầm cố đất ruộng để nuôi khoảng 50 thùng ong.

Đến nay, anh Hút đã phát triển lên hàng trăm thùng ong, mỗi năm đàn ong “nhả vàng” giúp gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng. Anh Hút chia sẻ: “Từ khi chuyển sang nuôi ong lấy mật, kinh tế gia đình khá lên, hiện giờ, tôi nuôi được 310 thùng ong. Tôi thấy ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và bảo vệ môi trường sinh thái”.

Theo nhiều người nuôi ong trong tỉnh Đồng Tháp, nghề nuôi ong không quá khó, tuy nhiên để trở thành tay nuôi thuần thục, có kinh nghiệm nhân giống và lấy mật chất lượng thì không phải ai cũng thực hiện được, chỉ có sự kiên trì thì mới đúc kết được kinh nghiệm cho riêng mình.

Theo anh Phạm Vũ Linh, phẩm chất của ong chúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống đàn ong. Ong chúa tốt thì đàn ong sẽ phát triển, ong chúa kém chất lượng sẽ làm cho đàn ong dễ tàn. Người nuôi ong mật trong thùng có kinh nghiệm thì phải có khả năng đoán được những bệnh của ong để có phương pháp chữa trị hiệu quả, ngoài ra còn có khả năng làm đàn ong nhân giống tốt.

Khoảng từ tháng 2 đến tháng 11 dương lịch là thời điểm người nuôi chọn những khu vực rừng cây yên tĩnh để dưỡng ong, nhân giống và lấy mật; từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm chuyển đàn ong đến những địa điểm có vườn cây ăn trái để ong lấy mật. Anh Huỳnh Văn Sang (huyện Tam Nông) vừa đầu tư vốn hơn 75 triệu đồng, nuôi 50 thùng ong. Giở thùng ong lên để kiểm tra đàn ong, anh Sang cho biết: “Đây là nghề bỏ công làm lời nên phải chịu khó, thường xuyên chăm sóc ong, thăm dò nơi nào có cây ra hoa là di chuyển đàn ong đến”.

Vào những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được hương bông tràm thoảng bay trong gió, cũng là thời điểm báo hiệu thắng lợi một mùa nuôi ong của người dân địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm Làm Giàu Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, là một đảng viên trẻ được kết nạp Đảng trong môi trường quân đội, anh Trương Hữu Minh ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) ý thức được rằng phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ mà người lính cần phải tiên phong. Là con cả trong gia đình làm nông đông anh em, với mức lương ít ỏi cộng phụ cấp không đủ trang trải cho cuộc sống, anh luôn nung nấu quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình.

16/11/2013
Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba

Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

16/11/2013
Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Sản xuất rau là nghề truyền thống ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm qua, việc canh tác rau của huyện giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

16/11/2013
Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê

Năm 2013, các đơn vị gồm Công ty Hồng Huế, Công ty Hoàng Vinh cùng tọa lạc ở TP.HCM và Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu thực hiện bao tiêu sản lượng 74ha đậu bắp với giá 7.000 đồng/kg (loại 1) và 25ha dưa lê với giá 9.500 đồng/kg của nông dân xã Tân Hòa (gần 14ha dưa lê của nông dân ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).

16/11/2013
240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng” 240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng”

Thành lập vào năm 2007, tới nay Bệnh viện cây trồng đã mở 6 lớp đào tạo kỹ năng “Bác sĩ cây trồng” với 240 lượt người tham gia.

16/11/2013