Tập Trung Củng Cố, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Cây

Hơn 6 năm thực hiện dự án phát triển cây cao su tại Điện Biên, đến nay, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên quản lý và chăm sóc gần 3.343ha phân bố tại các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Công ty đã và đang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng vườn cây theo phương châm “chậm và chắc”.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: Xác định chất lượng vườn cây là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của Công ty, đặc biệt là trong giai đoạn kiến thiết như hiện nay. Chất lượng vườn cây phụ thuộc vào đất trồng, cây giống, thời vụ, các biện pháp kỹ thuật... Chính vì vậy, cùng với việc mở rộng diện tích trồng mới theo kế hoạch, Công ty dồn nhân lực, vật lực cho củng cố và chăm sóc vườn cây.
Đặc thù vùng dự án phát triển cây cao su rộng, địa hình chia cắt cùng với thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, mưa đá, gió lốc, lũ quét, sạt lở đất... đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác trồng và chăm sóc, bảo vệ vườn cây.
Nhất là những năm trước đây, khi dự án mới bắt đầu triển khai thực hiện do không phải vùng phát triển cao su truyền thống nên chưa chủ động được cây giống nên việc trồng mới, trồng giặm hoàn toàn bằng stum trần, cộng với quãng đường vận chuyển cây giống rất xa nên tỷ lệ cây sống thấp, trồng giặm không kịp thời vụ. Bên cạnh đó, địa bàn triển khai dự án thuộc các tiểu vùng khí hậu khác nhau nên cây cao su dễ mắc một số bệnh về lá, thân và rễ.
Việc chăm sóc vườn cây chưa kịp thời dẫn đến tình trạng thực bì xâm lấn vườn cây đã hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của cây cao su. Trước thực trạng trên, Công ty đã triển khai rà soát, thống kê đo đạc diện tích cao su thực trồng theo từng ô, lô, đồi cho từng loại vườn cây và lập bản đồ cụ thể, chi tiết cho từng đơn vị để thuận lợi cho việc quản lý, chăm sóc.
Qua việc lập, vẽ sơ đồ ô, đồi đã quản lý sát thực diện tích trồng, phương pháp trồng, ngày trồng... Đó là cơ sở để Công ty đưa ra các biện pháp kỹ thuật tương ứng và phù hợp cho từng vườn cây, từng loại giống. Hàng năm, công ty tiến hành kiểm kê, đánh giá chất lượng vườn cây, xác định nguyên nhân biến động về số lượng để đưa ra biện pháp khắc phục, đồng thời thay đổi phương pháp trồng. 2 năm gần đây, thay vì trồng bằng stum trần, toàn bộ diện tích trồng mới và trồng giặm được trồng cây bầu 2 tầng lá trở lên, tạo sự đồng đều cho vườn cây và rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản.
Công ty đã xây dựng các vườn ươm bầu tầng lá nhằm chủ động về cây giống, cơ cấu giống phục vụ trồng mới và trồng giặm; xây dựng hệ thống vườn ươm giống tại các đơn vị sản xuất, đảm bảo 100% cây giống phục vụ trồng mới, trồng giặm đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Công ty định kỳ tổ chức hội thảo kỹ thuật tại các nông trường, đơn vị nhằm trao đổi, nâng cao kiến thức cho cán bộ kỹ thuật, công nhân trực tiếp sản xuất. Trước mỗi đợt bón phân hoặc trồng mới đều tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân, người lao động trên thực địa.
Thực hiện nghiêm túc quy trình bón phân thúc cho vườn cây theo tiêu chí “3 đúng” (đúng thời vụ, đúng đối tượng và đúng định lượng); cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn, giám sát cụ thể đến từng ô, lô, đồi. Đặc biệt, đối với vườn cây yếu kém, cây trồng giặm và những vườn cây trồng trên diện tích đất bạc màu, Công ty áp dụng biện pháp chăm sóc kỹ thuật đặc biệt, đó là tiến hành bón phân qua lá, bổ sung phân bón sinh học để tăng cường hệ vi sinh vật cho đất.
Đồng thời tiến hành tấp ủ toàn bộ số cây trồng mới, cây trồng giặm bằng màng phủ PE kết hợp bổ sung phân vi sinh; ủ gốc bằng thực bì để đất tơi xốp, hạn chế bốc hơi nước, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân cùng bảo vệ; xây dựng hệ thống hàng rào, hạn chế thấp nhất tình trạng gia súc xâm hại vườn cây...
Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đến nay vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản đã được củng cố kịp thời, sinh trưởng tốt.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, việc phát triển hình thức tưới cà phê bằng béc phun mưa tự động đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực, đặc biệt làm giảm đi phần nào gánh nặng về tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới trong mùa khô đối với người trồng cà phê…

Theo đó, Bộ Tài chính quy định giá mua tối đa (đã có thuế giá trị gia tăng) thóc rời vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014 đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ Nhà nước giao trên phương tiện bên bán tại cửa kho dự trữ là 6.300 đồng/kg.

Cũng từ nguồn tin trên, vụ Hè Thu này, Tân An Luông có thêm 990 hộ nông dân đưa hơn 402ha đất ở các Ấp 3, 4, 5, Rạch Cốc và Bào Xép vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn; nâng diện tích trồng lúa được đưa vào cánh đồng mẫu lớn là 99%.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, hiện sâu bệnh hại phổ biến trên cây điều như: Bọ xít muỗi, bệnh thán thư, bọ trĩ... gây hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình đang tăng nhanh.

Gần phân nửa diện tích mía ở huyện Ea Kar và M’Drak - hai vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh Đắk Lắk - đã quá thời kỳ thu hoạch, khô nỏ hết lá; nhiều bãi mía đã được chặt nhiều ngày nhưng chưa được tiêu thụ, nằm phơi nắng khiến người trồng mía “đứng ngồi không yên”.