Sử Dụng Tinh Phân Ly Giới Tính: Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trong Chăn Nuôi

Những năm gần đây, một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các hộ chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò sữa nói riêng là làm sao để tăng quy mô và chất lượng đàn bò sữa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Để giải quyết vấn đề này, việc phối giống bằng tinh bò sữa phân ly giới tính là một trong những giải pháp nhanh chóng, hiệu quả nhất và cũng là xu thế tất yếu để đẩy nhanh công tác cải tiến giống bò.
Xu hướng phát triển
Phối tinh phân ly giới tính cho bò sữa đã được nhiều nước như Mỹ, Hà Lan, Úc… và các nước châu Á như Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc ứng dụng có hiệu quả. Hiện nay, ở các nước tiến tiến với các trang trại lớn đã sử dụng 100 % tinh phân ly giới tính nên chất lượng đàn bò rất cao.
Sản lượng sữa bình quân có thể lên tới trên 10 tấn/chu kỳ. Ở Việt Nam, đã có một số tỉnh, thành sử dụng tinh phân ly giới tính để phối cho bò sữa như trang trại bò sữa Mộc Châu (Sơn La); Trại bò sữa Phú Lâm (tỉnh Tuyên Quang) của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk cho kết quả rất tốt, giúp cho việc tăng đàn bò nhanh, bò có chất lượng tốt, sản lượng sữa trên 7 tấn/chu kỳ.
Tại Hà Nội, từ năm 2010, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã triển khai việc sử dụng tinh phân ly giới tính đến các hộ chăn nuôi bò sữa tại một số xã trọng điểm với 1.000 liều tinh. Đến nay, hiệu quả thu được từ chương trình rất tích cực, với tỷ lệ bê cái sinh ra đạt 90%.
Khối lượng bê sơ sinh bình quân đạt 37,5 kg/con. Đặc biệt, hộ ông Nguyễn Văn Dũng (ở Tản Lĩnh, Ba Vì) sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò sữa bằng tinh phân ly giới tính. Kết quả, bò mẹ đã cho ra một bê cái nặng tới 47kg bằng phương pháp sinh thường.
Bê sinh ra từ tinh phân ly giới tính có ngoại hình đẹp, sinh trưởng, phát triển tốt. Khả năng tăng trọng của bê được sinh ra từ công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân ly giới tính khoảng 1.000g/ngày/con. Ở giai đoạn bò trưởng thành cho năng suất, chất lượng sữa cao.
Điển hình như hộ ông Chu Văn Hoàn (ở xã Vân Hòa, Ba Vì) có một bò cái sữa được sinh ra từ tinh phân ly giới tính, hiện tại đã đẻ lứa đầu, sản lượng sữa đạt trung bình 30kg/ngày. Hơn nữa, hiện nay giá bán 1 con bê cái sữa cao hơn 1 con bê đực khoảng từ 12 - 15 triệu đồng/con.
Do vậy, khi phối giống bằng tinh phân ly giới tính cho bò, người chăn nuôi sẽ có ngay gần 20 triệu đồng từ giá trị bê cái mới sinh, còn nếu sinh ra bê đực chỉ bán bê thui giá trị thấp khoảng 3 - 4 triệu đồng/con. Mặt khác, dùng tinh bò sữa phân ly giới tính giúp tăng đàn nhanh ở thế hệ tiếp theo vì bê sinh ra phần lớn là bê cái. Với những ưu điểm trên, việc sản xuất giống bò sữa bằng tinh bò sữa phân ly giới tính được người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội đánh giá rất cao.
Những vấn đề cần lưu ý
Tuy nhiên, việc sử dụng tinh phân ly giới tính phối cho bò sữa cũng gặp phải một số hạn chế như giá mua tinh phân ly tương đối cao (khoảng trên 1,2 triệu/liều), tỷ lệ đậu thai chỉ đạt khoảng 50% do những đặc thù của tinh phân ly giới tính khác với tinh bình thường.
Tinh phân ly thường chỉ phối cho bò cái tơ hoặc bò đẻ lứa 1, không phối với các loại bò như tinh bình thường. Vì vậy, để hiệu quả của thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân ly giới tính đạt cao nhất, người chăn nuôi cũng cần lưu ý một số vấn đề ngay từ khâu tuyển chọn bò cái nhận tinh.
Đây là khâu hết sức quan trọng, chỉ nên phối giống cho những con có khả năng sinh sản tốt, đường sinh dục bình thường, là bò cái tơ, hoặc bò đẻ lứa 1, bò có trọng lượng từ 280kg trở lên. Đồng thời, phát hiện đúng thời điểm động dục, phối giống kịp thời và dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo có tay nghề cao. Đặc biệt, người chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đúng kỹ thuật. Như vậy sẽ tiết kiệm được vật tư, giảm giá thành sản xuất bò cái giống.
Hiệu quả kinh tế thu được khi sử dụng tinh phân ly giới tính cho bò sữa là hướng đi mới trong việc lai tạo giống bò sữa, góp phần thúc đẩy chăn nuôi bò sữa ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tháng 4 là thời điểm tháng đầu của vụ cá Nam, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thủy sản. Thêm vào đó, nhiều loại hải sản xuất hiện ngay từ đầu vụ nhất là cá cơm, cá ngừ, cá sọc dưa, cá hố... cùng với chính sách phát triển ngành thủy sản nên các địa phương ven biển đã khuyển khích nhiều hộ ngư dân đồng loạt ra khơi bám biển.

Những ngày qua, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu phải “vật lộn” với thời tiết để tìm cách cứu lấy con tôm. Nắng nóng làm cho tôm nuôi chậm lớn và mắc phải nhiều bệnh như hoại tử gan tụy (EMS), phân trắng, bệnh đục cơ… Ngành quản lý đang khuyến cáo nông dân áp dụng nhiều biện pháp phòng bệnh cho tôm để làm giảm thiệt hại.

Phòng Kinh tế TP. Quy Nhơn (Bình Định) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2015, các hộ ngư dân làm nghề ương nuôi tôm hùm giống ở xã Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn đã thả ương nuôi hơn 156.200 con tôm hùm giống, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Cá rô phi được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là một trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh nghiệm nuôi cùng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến tương đối tốt nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi.

Ngày 27-4, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) triển khai thực hiện công trình thanh niên “Mô hình trồng rong sụn biển và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân”.