Sản Lượng Thức Ăn Chăn Nuôi Công Nghiệp Tăng 10%

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp được sản xuất trong năm 2014 dự báo tăng khoảng 10% so với cùng kỳ do chăn nuôi gia súc, gia cầm phục hồi và xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết dự báo sản lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm cả năm 2014 đạt xấp xỉ 14 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2013. “Thức ăn cho nuôi tôm và cá tra dự báo cũng sẽ tăng mạnh, góp phần đưa sản lượng cả năm tăng khoảng 10% so với năm ngoái”, ông Lịch cho biết.
Theo ông Lịch, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm phục hồi do kiểm soát được dịch bệnh, giá bán sản phẩm đứng ở mức cao. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh và diện tích nuôi được mở rộng, dù vẫn xảy ra tình trạng “treo ao” đối với cá tra.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết gần đây giá heo luôn đứng ở mức khoảng 5,4-5,5 triệu đồng/tạ, người chăn nuôi có lãi khá nên họ đẩy mạnh tái đàn, làm nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo, “do đó các nhà máy cũng đẩy mạnh nâng công suất sản xuất lên”, ông Công nói.
Cụ thể, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8-2014, chăn nuôi heo tiếp tục tăng khoảng 1-1,5% và gia cầm tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2013.
Còn thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2014 đạt 4,95 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ diện tích nuôi được mở rộng.
Chẳng hạn, tại Vĩnh Long, diện tích nuôi cá tra trong 8 tháng đầu năm nay đạt 425 héc ta, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2013; tại Đồng Tháp đạt 1.555 héc ta, tăng 2,4%; tại Tiền Giang đạt 158 héc ta, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, diện tích nuôi tôm xuất khẩu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…, hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Dự báo của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết sản lượng thức ăn công nghiệp được sản xuất ra sẽ tiếp tục tăng trong năm tới do một số doanh nghiệp đầu tư mở rộng/xây dựng thêm nhà máy mới.
Theo thống kê của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm 2013 cả nước sản xuất được khoảng 17 triệu tấn thức ăn công nghiệp các loại. Trong đó, chỉ riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có khoảng 50 doanh nghiệp, chiếm 25% số doanh nghiệp cả nước (200 doanh nghiệp) nhưng nắm giữ đến 65-70% thị phần cả nước.
Riêng Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP Goup) chiếm khoảng 15% thị phần và Công ty cổ phần Việt Pháp (PROCONCO) chiếm khoảng 10%.
Có thể bạn quan tâm

Được một cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) giới thiệu, chúng tôi háo hức vượt hơn 10km đường rừng lên núi cao để đến thăm mô hình nuôi cá tầm của ông Mai Thanh Lâm (62 tuổi, ngụ tổ dân phố 13, thị trấn Mađaguôi). Trại cá tầm của ông Lâm ở dưới chân thác Ba Tầng.

Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đang tích cực chăm sóc lúa Xuân song song với chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ mùa tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa cho biết, do những trận mưa lớn, mưa đá diễn ra liên tục trong thời gian qua khiến cho sản lượng rau của tỉnh bị giảm.

Nguyên nhân do vừa thu hoạch xong đợt cho trái lần 2 thì nhiều vườn ớt xuất hiện tình trạng cây chết hàng loạt.

Để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống trên 25.000ha rau màu các loại, đạt hơn 50% kế hoạch năm, tăng gần 200ha so với cùng kỳ năm 2014.