Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quyết Liệt Vực Dậy Cây Điều

Quyết Liệt Vực Dậy Cây Điều
Ngày đăng: 13/06/2014

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại “Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất điều” và ra mắt Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững, ngày 12/6 tại tỉnh Đồng Nai.

NGHỊCH LÝ TRỒNG – CHẶT

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu lên nghịch lý của ngành điều VN từ nhiều năm nay: Mặc dù ngành công nghiệp chế biến điều VN đã tạo được đột phá, xếp hàng thứ hai thế giới sau Ấn Độ; xếp hàng đầu thế giới về XK nhân điều (từ năm 2006-2013); nhưng những năm gần đây, diện tích điều lại liên tục giảm sút, nhiều nơi nông dân chặt bỏ điều để trồng cây khác.

Hiện sản lượng điều trong nước chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu chế biến, 60% phải nhập khẩu từ các nước châu Phi, Đông Nam Á.

Nguyên nhân là do hiệu quả kinh tế trồng điều thấp, cây điều không đủ sức cạnh tranh với nhiều cây trồng khác. Ông Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Giá trị sản xuất bình quân trên cây điều tại tỉnh chỉ đạt 20 triệu đồng/ha/năm, quá thấp so với cây tiêu hay cà phê”.

Hiện hầu hết vườn điều nằm ở những vùng có điều kiện khí hậu, đất đai xấu chiếm tỉ lệ cao (84,7%); chất lượng giống điều kém (65,6%), vườn điều già cỗi, sinh trưởng, phát triển yếu chiếm tỉ lệ cao (29,46%). Ngoài ra, hầu hết nông dân trồng điều chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư thâm canh như chọn giống, bón phân, phòng trừ dịch hại; công tác nghiên cứu, chuyển giao TBKT cũng rất hạn chế.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) khẳng định, phần lớn diện tích trồng điều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn canh tác theo kiểu “3 không” (không tạo tán tỉa cành, không BVTV, không tưới nước) khiến năng suất thấp, cần cải tạo gấp.

Trong khi đó, chế biến XK phát triển nóng, cung cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng, ngành công nghiệp chế biến ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn điều thô nhập khẩu.

Ông Thanh cho rằng, ngành điều đang thiếu một số cơ chế chính sách phù hợp làm cho nông dân trồng điều không tiếp cận được vốn, kỹ thuật; các DN không có điều kiện gắn với vùng nguyên liệu, gắn với nông dân. Sản phẩm chưa đa dạng, XK chủ yếu nhân thô, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao còn ít (chỉ khoảng 5% trong cơ cấu sản phẩm).

Đội ngũ DN làm điều do tuổi nghề còn non trẻ nên chưa có những DN thực sự mạnh tầm cỡ thế giới; ngành công nghiệp chế biến điều phát triển theo chiều rộng chưa phải chiều sâu, tổ chức XK còn manh mún.

“Đáng ngại nhất là ngành điều VN phải đối mặt với một số rào cản kỹ thuật thương mại, những quy định nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt của các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ, Canada, Trung Quốc, EU… Vì thế, nếu chúng ta không thay đổi từ sản xuất đến chế biến, XK thì rất khó để phát triển bền vững” – ông Thanh nói.

TĂNG NGUỒN LỰC CHO CÂY ĐIỀU

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững là nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng về những chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm thúc đẩy việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình phát triển điều bền vững.

Tại Hội nghị, Vinacas đã kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu, phát triển sản xuất điều bền vững đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Mục tiêu nhằm tăng năng suất cây điều (trên 2 tấn/ha), tăng cường hoạt động, trao đổi, hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương.

Đối với công tác khuyến nông, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, đã xây dựng đề án khuyến nông gia đoạn 2015-2017 trình Bộ NN-PTNT với trọng tâm là “cải tạo vườn điều cũ” để đạt năng suất 2 tấn điều/ha, tăng thu nhập cho bà con trồng điều. Vì thế, Vinacas đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm và phê duyệt để dự án triển khai kịp tiến độ.

Liên quan đến tín dụng, Vinacas đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng đầy đủ hàng năm cho ngành điều, giảm lãi suất, hỗ trợ cho vay; tổ chức thí điểm cho ngành điều vay theo chuỗi sản xuất.

Đồng thời đề nghị Nhà nước có những chính sách hỗ trợ DN ngành điều đầu tư phát triển chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu sản phẩm ở các thị trường trọng điểm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, điều là một trong những cây trồng chủ lực, liên quan đến rất nhiều hộ nông dân và DN. Vì thế, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo tập trung nguồn lực và tìm các giải pháp để giữ ổn định diện tích và nâng cao năng suất cho cây điều.

“Bộ trưởng đã chỉ đạo vấn đề này rất quyết liệt, đã cho thành lập Trung tâm nghiên cứu cây điều; dồn nguồn lực kinh phí tương đối để nghiên cứu giống điều cho năng suất, chất lượng cao và khuyến nông cho cây điều.

Tôi khẳng định, nếu chúng ta có bộ giống thật tốt, phù hợp, Bộ sẽ không hạn chế kinh phí để nhân rộng cho các vùng trồng điều chủ lực. Ngày hôm nay (12/6), Bộ cũng cho ra mắt Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững để giúp Bộ trưởng trong quản lý, chỉ đạo, phối hợp điều hành các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện chương trình phát triển điều bền vững có hiệu quả”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.


Có thể bạn quan tâm

Trung Tâm Giống Thủy Sản Hà Tĩnh Sản Xuất Trên 10 Triệu Con Cá Giống Trung Tâm Giống Thủy Sản Hà Tĩnh Sản Xuất Trên 10 Triệu Con Cá Giống

Là đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng giống cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh, từ cuối năm 2012, Trung tâm Giống thủy sản Hà Tĩnh đã tập trung bổ sung tăng đàn, chăm sóc, nuôi vỗ tốt 3,6 tấn cá giống bố mẹ để chuẩn bị cho vụ sản xuất cá giống năm 2013.

16/03/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trang Trại Đa Canh Hiệu Quả Từ Mô Hình Trang Trại Đa Canh

Nằm ở vùng trũng nhất của huyện Ứng Hòa (Hà Nội), nhưng nhờ biết cách biến nhược điểm thành lợi thế, đến nay, xã Hòa Lâm đã tạo điều kiện cho nhiều mô hình trang trại đa canh phát triển. Điển hình là trang trại của ông Tạ Văn Thắng, thôn Đống Long.

16/03/2013
Trữ Lúa Chờ Giá Trữ Lúa Chờ Giá

Mặc dù chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã có hiệu lực từ ngày 20-2, thế nhưng, giá mua lúa trong dân thời gian qua vẫn chưa được cải thiện và còn nhiều điều nghịch lý, từ đó làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người trồng lúa. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã quyết định phơi lúa trữ lại dù chi phí cho mùa vụ cũ còn đó và đang đối mặt với đầu tư vốn liếng cho vụ lúa mới.

17/03/2013
Bảo Vệ Nguồn Lợi Hải Sản Ven Bờ: Khi Cộng Đồng Vào Cuộc Bảo Vệ Nguồn Lợi Hải Sản Ven Bờ: Khi Cộng Đồng Vào Cuộc

Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện tình yêu biển đảo của ngư dân Quảng Nam. Mô hình “đồng quản lý vùng biển” là ví dụ sinh động.

17/03/2013
Hiệu Quả Từ Khai Thác Thủy Sản Ở Bạc Liêu Hiệu Quả Từ Khai Thác Thủy Sản Ở Bạc Liêu

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã khai thác gần 20.000 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm đạt gần 2.800 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như cá và mực. Hiện tại, dù giá thủy sản không tăng so với năm trước, nhưng hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển vì đạt sản lượng. Cụ thể, đối với tàu lưới lãi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày, nghề lưới cá chim lãi từ 12 - 17 triệu đồng/chuyến/5 - 6 ngày; nghề lưới tôm thẻ lãi 6 - 10 triệu đồng/chuyến; nghề lưới cá chét lãi từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến/ 3 - 4 ngày… Riêng tàu đánh bắt xa bờ, lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/chuyến đi biển từ 1 - 3 tháng.

19/03/2013