Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Rau Tăng, Nông Dân Vẫn Không Vui

Giá Rau Tăng, Nông Dân Vẫn Không Vui
Ngày đăng: 17/05/2014

Giá rau tại các chợ tăng vọt

Thời tiết nắng nóng, rau, củ là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhất, đặc biệt gần một tháng nay giá rau xanh tại các chợ tăng từ 15-40%. Theo ghi nhận tại các chợ trên địa bàn TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), giá các loại rau xanh đều tăng khoảng 5.000 đồng - 30.000 đồng/kg so với tháng trước.

Cụ thể: xà lách xoong giá 40.000 đồng/kg, dưa leo 13.000 đồng/kg, hành lá 20.000 đồng/kg, cải thảo 28.000 đồng/kg. Riêng các loại rau trước đây giá khá mềm, hiện cũng tăng nhẹ như bắp cải tròn giá 10.000 đồng/kg, xà lách 25.000 đồng/kg, rau muống 7.000 đồng/bó...

Thời điểm này, tăng giá mạnh nhất là gừng, tại các huyện đầu nguồn do thời tiết không thuận lợi khiến cây phát triển chậm, lượng gừng không đủ cung cấp cho thị trường, đẩy giá lên cao. Hiện tại chợ TP.Cao Lãnh, giá gừng khoảng 70.000 đồng/kg, tăng gần gấp 2 lần so với tháng trước.

Cô Trần Thị Cẩm ngụ P6, TP.Cao Lãnh cho biết: “Thời điểm hiện tại, giá các loại rau hầu như đều tăng”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu ngụ P3, TP.Cao Lãnh nói thêm: “Gần đây, giá các loại thực phẩm như thịt, cá không mấy biến động nhưng rau xanh lại tăng chóng mặt. Do đây là thực phẩm không thể thiếu cho bữa ăn hằng ngày nên dù tăng cao nhưng vẫn phải mua”.

Có một thực tế ở các chợ truyền thống là nếu có những diễn biến bất thường về thời tiết (mưa dầm hay nắng nóng kéo dài) là rau lại tăng giá. Những chi phí tăng lên đó được giải thích do nguồn hàng khan hiếm, cộng với chi phí sản xuất, vận chuyển ngày càng tăng cao...

Giá rau tại ruộng vẫn rẻ

Theo nhiều nông dân trồng màu ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, từ sau Tết đến nay, tình hình sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Do đảm bảo nguồn nước tưới vào mùa khô nên vườn màu của bà con không bị giảm năng suất, số lượng nhưng giá bán không cao.

Ông Nguyễn Thái Hùng ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết: “Hàng năm, vào đầu mùa nắng, giá rau màu có nhích lên nhưng cây èo uột do nước không đủ tưới. Tưởng năm nay đảm bảo được nguồn nước tưới sẽ trúng hơn các vụ trong mùa mưa, ai dè giá cả lại tệ”.

Khảo sát tại các cánh đồng màu thuộc xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, chúng tôi thấy, hành lá đang có giá 11.000 - 12.000 đồng/kg, dưa leo 6.000 - 7.000 đồng/kg, củ cải trắng chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg...

Ông Lê Văn Chuyển ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận cho biết: “Tuy là mùa nắng, nhưng phần lớn bà con đều có kế hoạch trồng xen canh, gối vụ và chú ý đúng mức đến việc tưới nước đủ cho cây màu, nên dù thời tiết khắc nghiệt cũng không ảnh hưởng tới nguồn rau. Thậm chí lượng rau năm nay còn dồi dào hơn so với mọi năm, đủ sức cung cấp cho thị trường”.

Anh Trần Văn Năm ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự nói thêm: “Nhiều hộ có mối làm ăn lâu năm thì vẫn bán được với giá bình thường, có lãi chút đỉnh. Còn các hộ trồng nhỏ lẻ hay bán cho thương lái bất kỳ, thì chịu huề vốn chứ không có lời”.

Như vậy, dù nguồn rau dồi dào, giá rau tại nơi sản xuất vẫn quá rẻ so với giá bán tại chợ, người nông dân chịu nhiều thiệt thòi vì thu nhập chưa tương xứng với công lao động và nguồn vốn đầu tư. Còn người tiêu dùng thì vẫn mua rau màu với giá cao. Thiết nghĩ, nếu có sự quy hoạch, định hướng trong sản xuất và phân phối hợp lý, giảm bớt các khâu trung gian thì đời sống bà con nông dân và người tiêu dùng chắc sẽ nhẹ nhõm hơn.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Tôm Chân Trắng Kết Hợp Tôm Càng Xanh Trong Môi Trường Nước Ngọt Mô Hình Nuôi Tôm Chân Trắng Kết Hợp Tôm Càng Xanh Trong Môi Trường Nước Ngọt

Xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã được quy hoạch là vùng ngọt hóa. Do các công trình thủy lợi chưa khép kín hoàn toàn nên còn ảnh hưởng xâm nhập mặn (khoảng tháng 4 - 6 hàng năm), độ mặn tối đa 8%o, nên một số người dân đào ao nuôi tôm nước lợ.

24/11/2014
Tiên Yên (Quảng Ninh) Bảo Vệ Môi Trường Vùng Nuôi Trồng Thuỷ Sản Tiên Yên (Quảng Ninh) Bảo Vệ Môi Trường Vùng Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Hầu như năm nào, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Tiên Yên cũng đều phải đối mặt với dịch bệnh trên tôm nuôi. Đơn cử, tháng 7-2014, trên 200 hộ nuôi tôm với diện tích trên 350ha ở xã Hải Lạng và Đông Ngũ đã bị chết do dịch bệnh. Ngoài những nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các chủ đầm trong việc vệ sinh môi trường khu vực nuôi trồng thuỷ sản chưa tốt.

24/11/2014
Triển Vọng Từ 2 Giống Cỏ Mới Trồng Tại Gia Lai Triển Vọng Từ 2 Giống Cỏ Mới Trồng Tại Gia Lai

Từ 2 ha giống cỏ hỗ trợ trồng khảo nghiệm để nhân rộng mô hình trong phát triển chăn nuôi bò, đến nay 2 giống cỏ voi VA06 và cỏ hàng chông đã được người chăn nuôi chấp nhận đưa vào trồng khá phổ biến, góp phần giải quyết nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn bò của địa phương.

25/11/2014
3 Sào Rau Má Trong Vườn Điều Cho Thu Trăm Triệu Đồng 3 Sào Rau Má Trong Vườn Điều Cho Thu Trăm Triệu Đồng

Kinh tế khó khăn, giá cả nông sản bấp bênh, sâu bệnh phá hoại, khí hậu thất thường... đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông dân. Để thích nghi với tình hình thực tế, nhiều gia đình đã áp dụng khoa học - kỹ thuật, xen canh tăng vụ để thêm thu nhập. Trồng rau má xen dưới vườn điều của gia đình chị Đinh Thị Lý, tại ấp 5, xã Đồng Tiến (Đồng Phú - Bình Phước) là một điển hình.

25/11/2014
Sóc Trăng – Người Trồng Nấm Bào Ngư Tiếp Tục Thắng Lợi Sóc Trăng – Người Trồng Nấm Bào Ngư Tiếp Tục Thắng Lợi

Trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng. Mô hình ít vốn đầu tư, không cần nhiều diện tích, có thể tận dụng chuồng heo, chuồng gà để che mưa, tùy vào diện tích mỗi gia đình. Khoảng 20 ngày sau khi treo phôi là có thể thu hoạch đợt đầu và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng.

25/11/2014