Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phục Hồi, Cải Tạo Vườn Tiêu Ở Gio Linh

Phục Hồi, Cải Tạo Vườn Tiêu Ở Gio Linh
Ngày đăng: 19/06/2014

Mô hình thí điểm phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) sau một năm thực hiện đã cho kết quả tốt. Từ kết quả ban đầu này đã giúp nông dân hiểu rõ các phương cách đầu tư trong trồng tiêu và lợi ích đầu tư thâm canh đưa lại.

Do giá hạt tiêu trên thị trường những năm trước đây biến động thất thường, nhiều năm liền giá tiêu ở mức thấp nên người dân thiếu vốn đầu tư chăm bón cho cây tiêu. Mặt khác, vì giá tiêu thấp nên không tạo được động lực cho người dân đầu tư chăm sóc cây tiêu, họ bỏ bê vườn tiêu trong thời gian dài làm cho nhiều vườn tiêu trong thời gian khai thác xuống sức nghiêm trọng dẫn đến năng suất giảm rất nhiều. Bình quân năng suất tiêu đại trà chỉ đạt khoảng hơn 10 tạ/ha.

Trong những năm gần đây, khi giá tiêu trên thị trường tăng lên, người dân quay trở lại chăm sóc vườn tiêu, song do vườn tiêu đã xuống cấp nhiều năm, người dân lại chăm sóc chưa đúng cách nên năng suất bình quân tăng không đáng kể, toàn huyện Gio Linh năng suất tiêu đạt 13,67 tạ/ha.

Nhằm giúp người dân khai thác tốt vườn tiêu sẵn có, sau khi thu hoạch xong vụ tiêu năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh tổ chức triển khai thực hiện mô hình thí điểm phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu với diện tích 1 ha ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái.

Là 1 trong 10 hộ tham gia mô hình, gia đình ông Trần Hữu Biện tuân thủ đầy đủ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp huyện. Ông sử dụng các loại men vi sinh ủ với phân hữu cơ bón cho tiêu đưa lại nhiều lợi ích như giảm chi phí sản xuất, tăng độ mùn trong đất, bổ sung cho tiêu các yếu tố vi lượng còn thiếu, giúp cho cây tiêu phục hồi sức nhanh, bền, phát triển tốt và hạn chế được một số nấm bệnh gây hại.

Ông cũng được hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng phân hóa học thế nào cho đúng, cho cân đối giữa lượng đạm, lân và kali, ưu tiên phân bón tổng hợp có chứa các nguyên tố vi lượng, phân bón chuyên dùng cho cây tiêu.

Sau khi được hướng dẫn đầy đủ các biện pháp chăm sóc cây tiêu, ông Biện cũng biết sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nên vườn tiêu của ông không chỉ hạn chế được sâu bệnh gây hại mà còn giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động, nhờ vậy chi phí sản xuất tiêu giảm đáng kể.

Nhờ biết cách chăm sóc tiêu theo đúng kỹ thuật nên vườn tiêu của ông Biện cũng như 9 hộ khác tham gia mô hình chỉ sau nửa năm chăm sóc đã thay đổi chất lượng, đến nay vào mùa thu hoạch, năng suất vườn tiêu của 10 hộ thực hiện thí điểm đạt cao hơn 40- 50% so với vườn đối chứng, thực thu đạt gần 18 tạ/ha.

Ông Nguyễn Nhuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Thái cho biết: "Việc triển khai mô hình thí điểm phục hồi vườn tiêu đã đem lại cho nông dân nhiều lợi ích, không chỉ giúp họ nắm vững kỹ thuật chăm sóc tiêu mà còn nâng cao nhận thức về đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp. Từ kết quả đưa lại khả quan, trong năm tiếp theo, xã mong muốn huyện tiếp tục hỗ trợ để nông dân có điều kiện phục hồi hơn 70% số diện tích tiêu xuống cấp trong tổng số 26,7 ha tiêu của toàn xã”.

Huyện Gio Linh có diện tích gò đồi rộng lớn, trong đó phần lớn là phát triển cây cao su; cây hồ tiêu chỉ có 448 ha chủ yếu trong diện tích vườn của hộ gia đình. Trong điều kiện hiện nay khi giá mủ cao su xuống thấp thì việc tăng cường chăm sóc cây hồ tiêu theo các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất.

Thông qua mô hình đã thay đổi nhận thức của nông dân về việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tổng hợp và bền vững trên cây tiêu, tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng.

Hiện nay, việc mở rộng trồng mới cây hồ tiêu không được nhiều và các vườn tiêu chưa đến lúc tái canh nên việc nhân rộng mô hình phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu là rất cần thiết. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để họ hiểu rõ và đầu tư chăm sóc vườn tiêu đúng cách, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Có thể bạn quan tâm

Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Và Hội Nhập Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Và Hội Nhập

Tính đến năm 2014, tỉnh Sóc Trăng có gần 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản các loại, 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, 4 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và các doanh nghiệp còn lại xuất khẩu mặt hàng bánh pía - lạp xưởng, vàng, ngọc trai...

22/10/2014
Xuất Khẩu Gạo Cuối Năm Lại Gặp Khó Xuất Khẩu Gạo Cuối Năm Lại Gặp Khó

Thị trường XK gạo đang gặp khó trở lại khi nguồn cung trên thế giới tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trong khi nhu cầu NK đã giảm sau mấy tháng sôi động vừa qua.

22/10/2014
“Vị Đắng” Mía Đường “Vị Đắng” Mía Đường

Dù đã bước vào niên vụ sản xuất mía đường chính vụ, nhưng không khí tranh thu mua nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL năm nay không tái diễn. Hiện tượng này được đánh giá là khá “lạ”, bởi 15 năm qua, các nhà máy đường ở khu vực luôn trong cảnh tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu khi vào vụ. Năm nay, phải đến giữa tháng 10, các nhà máy đường mới bắt đầu vào vụ, trong khi đó, vụ mía đường chính hàng năm mở màn từ tháng 9.

22/10/2014
Xuất Khẩu Mực, Bạch Tuộc Tăng Trưởng “Trái Chiều” Xuất Khẩu Mực, Bạch Tuộc Tăng Trưởng “Trái Chiều”

Từ đầu năm tới nay, trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc và EU cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ thì giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản sụt giảm do các hàng rào kỹ thuật và sang Nga, Australia thiếu ổn định.

22/10/2014
Xuất Khẩu Cây Thủy Sinh Sang Đan Mạch, Singapore Xuất Khẩu Cây Thủy Sinh Sang Đan Mạch, Singapore

Theo ông Dũng, 18 giống cây thủy sinh xuất bán đều được nhập khẩu từ chính Đan Mạch và Singapore. Sau khi được nhân giống trong phòng thí nghiệm và nuôi lớn đến mức có thể sống trong môi trường nước, công ty sẽ xuất khẩu trở lại các nước này.

22/10/2014