Phú Yên Thí Điểm Sản Xuất Cá Ngừ Theo Chuỗi

Tỉnh Phú Yên đang xúc tiến việc vận động xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất cá ngừ theo các khâu khai thác-bảo quản-thu mua-chế biến-xuất khẩu.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Phú Yên, hiện nay, toàn tỉnh có 6.146 tàu cá, trong đó 1.044 tàu cá công suất từ 90CV trở lên; có 103 tổ tàu thuyền an toàn với 919 tàu cá tham gia; 5 nghiệp đoàn nghề cá.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển hiện nay, nhất là tổn thất sau thu hoạch khá cao, từ 20-30% giá trị sản phẩm; các mô hình liên kết trong sản xuất hiện có của tỉnh do ngư dân tự nguyện hình thành nên tính liên kết thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, chưa liên kết được các dịch vụ hậu cần như: Liên kết khai thác và luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ và vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm ra biển cung cấp cho các tàu khác để kéo dài thời gian chuyến biển, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm; chưa hình thành được mô hình liên kết ngang, liên kết dọc theo chuỗi giá trị…
Vì vậy, để chuẩn bị thực hiện đề án thí điểm mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị (được thụ hưởng chính sách theo Nghị định 67 của Chính phủ) tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên đang vận động xây dựng mô hình sản xuất cá ngừ theo chuỗi, gồm các khâu khai thác-bảo quản-thu mua-chế biến-xuất khẩu do Công ty cổ phần Bá Hải liên kết với các chủ tàu khai thác cá ngừ của tỉnh triển khai thực hiện.
Thông tin từ Báo Phú Yên cho hay Công ty cổ phần Bá Hải hiện có năng lực chế biến và xuất khẩu khoảng 10.000 tấn cá ngừ/năm; có thể chế biến, cấp đông 40 tấn sản phẩm cá ngừ/ngày (tương đương 80 tấn nguyên liệu cá ngừ/ngày). Công ty có kế hoạch tổ chức liên kết với ngư dân thành lập từ 4-6 tổ, đội khai thác cá ngừ.
Từ nay đến năm 2015, Công ty sẽ mua 3 tàu vỏ thép loại lớn (dài 36m) để thu mua sản phẩm và làm dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển, phục vụ các tàu cá, với chu kỳ khoảng 5-8 ngày/chuyến, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ cá ngừ cho các chủ tàu đã ký hợp đồng với công ty.
Công ty Bá Hải được Bộ KHCN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ.
UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở NNPTNT tham mưu trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định 67 và đề án tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị để thực hiện, trong đó lưu ý, với mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị được chọn làm thí điểm, khi Nghị định 67 có hiệu lực có thể giải ngân vốn được ngay.
Có thể bạn quan tâm

Người dân nuôi cá điêu hồng trong bè ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đang phấn khởi vì trong vòng 1 tháng trở lại đây, cá điêu hồng liên tục tăng giá và đang đứng ở mức 41.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có lãi từ 6.000 - 10.000 đồng/kg; trung bình mỗi bè cá có sản lượng từ 5 tấn, nông dân có thể thu lãi 50 triệu đồng.

Gần đây, chim yến đua nhau bay về Bạc Liêu cư ngụ. Nhiều người dân ở đây đã “thức thời” xây nhiều nhà cao tầng, dẫn dụ yến về làm tổ nhằm khai thác nguồn lợi từ loài chim này. Từ đó, kéo theo biết bao sự phiền toái, khổ sở cho những hộ dân ở gần khu vực nuôi yến.

Bà con 2 thôn Phú Sơn Nam và Phú Sơn 1, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang thu hoạch đợt cuối vụ đậu xanh cao sản, lần đầu tiên đưa vào SX trên vùng đất khô hạn theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong vòng 70 ngày kẻ từ khi tra hạt, đậu cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Với giá 22 nghìn đồng/kg, người trồng thu hơn 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần trồng lúa.

Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam vừa tổ chức triển khai phương pháp tỉa chồi có kiểm soát và tạo tán cho vườn cây cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản. Đây là lần đầu tiên đơn vị áp dụng kỹ thuật mới này.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo, giá đậu trên thị trường.