Phát Hiện Nhiều Thủ Đoạn Buôn Lậu Cá Tầm

Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết có rất nhiều thủ đoạn được sử dụng để nhập lậu cá tầm về Việt Nam.
Giá cá tầm nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg (trong khi đó giá cá tầm trong nước có giá thành cao khoảng 200.000 đồng/kg, lại nuôi với số lượng ít).
Do chênh lệch lớn về giá nên các đối tượng bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu thủy sản, trong đó có cá tầm vận chuyển sâu vào trong nước bán kiếm lời.
Thời điểm trước tháng 4/2013, trung bình mỗi ngày có khoảng 5-7 tấn cá tầm được chuyển về Hà Nội tiêu thụ, mà phần lớn là cá tầm nhập lậu. Đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 tấn cá tầm được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ nhưng đa số đã được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước, chỉ còn một lượng nhỏ cá tầm nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Qua khảo sát, có những trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn và cá tầm phải nuôi trong một thời gian nhất định (khoảng trên 1 năm) mới được xuất bán, nhưng 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với số lượng khoảng 70 tấn. Cá tầm được nuôi ở các tỉnh phía Bắc (chủ yếu ở các tính Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Bắc Giang) gần khu vực biên giới với Trung Quốc nên các đối tượng dễ dàng hợp thức hóa cá tầm nhập lậu thành cá tầm nuôi tại các trang trại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ cá tầm nhập lậu rất đa dạng, như: sử dụng xe tải nhỏ, xe máy, đò, xuồng máy để vận chuyển; lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số để thuê vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ; khi vận chuyển vào nội địa, các đối tượng thường bố trí người cảnh giới giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng để thường xuyên thay đổi lịch trình hoạt động.
Bên cạnh đó, để đưa thủy hải sản và cá tầm nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa, các đối tượng buôn lậu thuê cửu vạn cõng hàng qua biên giới qua đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, sau đó tập kết tại các địa điểm gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, chờ cơ hội thuận lợi rồi dùng xe ô tô tải vận chuyển qua các tuyến đường bộ vào trong nội địa tiêu thụ.
Các đối tượng còn câu kết với các chủ trang trại nuôi cá tầm ở các tỉnh biên giới để hợp thức hóa cá tầm nhập lậu.
Trước đó, C49 đã tổ chức công tác trinh sát, phát hiện vi phạm và phối hợp với các ngành chức năng bắt giữ, xử lý 40 vụ/40 đối tượng vận chuyển, buôn bán thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc đang trên đường vận chuyển vào các tỉnh nội địa tiêu thụ, tịch thu trên 30 tấn thủy sản các loại, trong đó riêng cá tầm là gần 10 tấn, xử phạt gần 200 triệu đồng, bán phát mại nộp ngân sách nhà nước 400 triệu đồng.
C49 đề nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo việc khảo sát, kiểm tra các trang trại nuôi trồng thủy sản để đánh giá thực trạng nuôi trồng thủy sản trong nước, trên cơ sở đó, khi tiến hành cấp giấy xác nhận nguồn gốc hàng hóa, hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản đảm bảo đúng quy đinh, không để đối tượng lợi dụng giấy chứng nhận để hợp thức hóa thủy sản nhập lậu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh của các mặt hàng thủy sản nhập lậu, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác hành vi vi phạm…
Có thể bạn quan tâm

Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định 3195/QĐ-BNN-TCTS do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) siêu thâm canh tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Châu Thành. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 5 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 2.437.730.000 đồng, vốn đối ứng của dân là 2.562.270.000 đồng) từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ; thời gian thực hiện 24 tháng (từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2017).

Sau khi thu hoạch tôm vụ 1, người nuôi tôm Quỳnh Lưu (Nghệ An) tiến hành xử lý, cải tạo ao đầm, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường vùng nuôi đúng quy trình kỹ thuật để tiếp tục thả giống vụ 2.

Từ lâu, nghề nuôi tôm ở xã Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ nuôi tôm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cứ đến thời điểm gần thu hoạch, tôm nuôi ở xã Hải Lạng lại chết do dịch bệnh. Thực trạng này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi trồng thuỷ hải sản, đòi hỏi Hải Lạng cần có hướng đi phù hợp để nghề nuôi trồng thuỷ hải sản phát triển bền vững.

Trong những năm qua, nuôi thủy sản ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến, góp phần chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.