Nuôi Kết Hợp Cua Xanh Và Tôm Mang Lại Hiệu Quả

Việc nuôi cua xanh kết hợp tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh đang mang lại hiệu quả cao tại xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).
Trái ngược với cảnh đìu hiu 4 - 5 năm về trước, hiện nay, vùng đìa rộng lớn ở các thôn Văn Tứ Đông, Văn Tứ Tây (xã Cam Hòa) đã nhộn nhịp.
Hỏi ra mới biết, 3 năm trở lại đây, nhờ nuôi kết hợp cua xanh với tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh mà người nuôi có lãi khá. Điều này đã giúp nhiều hộ quay lại gắn bó với nghề nuôi thủy sản.
Theo ông Trần Thanh Trung - người nuôi thủy sản, vùng đìa Văn Tứ là vùng chuyên nuôi tôm nên nguồn nước, chất đất cũng phù hợp với tập tính sinh sống của cua, giúp cua phát triển tốt.
Để nuôi cua xanh kết hợp với tôm, ông Trung thả cua trước khoảng 35 đến 40 ngày, sau đó mới thả tôm sú. Thời gian nuôi từ 4 đến 5 tháng, khi cua đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg là có thể thu hoạch cua rải rác, còn tôm thu hoạch sau.
Cách nuôi cua kết hợp với tôm sú của ông Trung tuy nhỏ lẻ nhưng lại cho hiệu quả cao. “Tuy nuôi cua kết hợp với tôm sú theo hình thức quảng canh lãi không nhiều như nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp, nhưng hiệu quả và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, nuôi cua cùng với tôm sẽ cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi, giúp hạn chế tình hình dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư... 2 vụ nuôi vừa qua, mỗi vụ, gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng nhờ cách nuôi kết hợp này” - ông Trung chia sẻ.
Bà Phan Thị Tuyết Xuân là một trong những hộ tiên phong nuôi kết hợp cua xanh và tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh. Bà Xuân cho biết: “Việc nuôi quảng canh kết hợp 2 đối tượng nuôi này có vốn đầu tư ít.
Cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh. Trong khi đó, tôm và cua cũng ít dịch bệnh nên người nuôi có lãi cao”.
Được biết, vụ nuôi năm 2013, gia đình bà Xuân đầu tư chưa đến 100 triệu đồng để thả nuôi 3.000 con cua xanh kết hợp với 18 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau gần 5 tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng cho lãi 270 triệu đồng, cua xanh lãi hơn 60 triệu đồng. Vụ nuôi này, bà tiếp tục thả 4.000 con cua xanh, 15 vạn tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, đã gần 3 tháng nuôi, cua và tôm đều phát triển tốt.
Theo các hộ nuôi trồng thủy sản tại vùng đìa Cửu Lợi, trước đây, vùng đìa này là vùng chuyên canh tôm. Tuy nhiên, không ít hộ đầu tư nuôi tôm theo hình thức công nghiệp đã bị trắng tay, vì tôm thường xuyên bị dịch bệnh.
3 năm nay, hầu hết các hộ chuyển sang nuôi kết hợp cua xanh với tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh. Thời gian đầu, giống cua được người dân thu gom trong tự nhiên, gặp cua gì nuôi cua nấy.
Vì vậy, sản lượng cua thành phẩm không đồng đều. Những vụ sau, người nuôi mua cua giống từ các trại sản xuất giống nên kích cỡ cua đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh...
Ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 20ha đìa nuôi kết hợp cua xanh và tôm theo hình thức quảng canh.
Thành công của việc nuôi tôm, cua kết hợp đã mở ra một hướng đi mới. Các chủ đìa hiện đang quay lại với nghề nuôi trồng thủy sản. Sắp tới, còn 100ha ở vùng đìa Văn Tứ, người dân cũng sẽ đầu tư chủ yếu nuôi kết hợp cua xanh và tôm; một số ít nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh”.
Có thể bạn quan tâm

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nước lũ ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu đang xuống chậm. Trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu tiếp tục xuống chậm, khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ít biến đổi trong vài ngày nữa sau đó cũng xuống chậm

Tôm sú là loại tôm được sử dụng rộng rãi thứ 2 tại Nhật Bản, sau tôm thẻ chân trắng. Năm 2010, Nhật Bản đã nhập khẩu 49 ngàn tấn tôm sú và 55 ngàn tấn tôm thẻ chân trắng, trừ các sản phẩm chế biến

Ông Võ Minh Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, sau thời gian ra quân dập dịch, đến nay dịch sâu đục trái bưởi (có tên khoa học là Cipestis sagittiferella Moore) đã được khống chế, không còn lây lan ra diện rộng.

Sau khi giảm 10.000 đồng/kg vào đầu tháng 10, hiện tôm càng xanh nuôi trong mùa lũ tại Đồng Tháp đã bất ngờ tăng giá mạnh trở lại, lên mức giá cao nhất từ trước đến nay

Suốt gần một tháng nay, tôm hùm giống tự nhiên xuất hiện nhiều ở các vùng biển Phú Yên, như Tuy An, Sông Cầu. Chỉ riêng tại huyện Tuy An, trong hơn 3 tuần vừa qua, ngư dân các xã An Chấn, An Hòa, An Hải, An Ninh Đông khai thác trên 130.000 con tôm hùm giống