Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Lai Vung (Đồng Tháp)

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (còn gọi là công nghệ nuôi heo không phân), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Điển hình là năm 2011 gia đình anh Trần Anh Khoa, ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đã cải tạo hệ thống chuồng trại và áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót lên men với diện tích 30 m2. Kết quả, đàn heo phát triển tốt, ít bệnh, tăng trưởng nhanh.
Anh Trần Anh Khoa cho biết: Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái rất tiện lợi, hạn chế được mùi hôi, công chăm sóc cũng giảm, ít tiêu điện nước. Còn nuôi heo theo truyền thống trên nền xi măng thì tốn chi phí điện nước và công chăm sóc, có thể tiết kiệm được khoảng 80% lượng nước trong chăn nuôi, giảm 50% nhân công lao động do không cần tốn công dọn, rữa chuồng trại; tiết kiệm 10% thức ăn do khả năng tiêu hoá, nhờ vào lượng vi sinh vật có lợi từ đệm lót hấp thụ của vật nuôi tốt hơn. Đồng thời không gây ô nhiễm môi trường, không có mùi hôi thối và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cách làm đệm lót sinh thái cũng khá đơn giản, nguyên liệu được sử dụng là bột bắp, mùn cưa, trấu trộn đều với nhau làm nền thay cho nền xi măng. Người nuôi chỉ cần tưới nước cho nền ước, tưới dịch men và rắc phân cám trộn với men vi sinh, sau đó đảo cho đều, dùng nylon đậy lại. Sau 2 - 3 ngày, lấy tấm nylon ra và xới lên, sau 1 giờ có thể thả heo vào nuôi.
Với diện tích đệm lót khoảng 20 m2 có thể nuôi 15 con heo và có thời sử dụng trong 4 năm. Sau đó, có thể tận dụng đệm nuôi làm phân bón cho cây trồng. Đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi và rất hiệu quả trong việc phòng chống các dịch bệnh có hại trên đàn heo. Khi heo ăn men vi sinh từ đệm lót sẽ mang lại nhiều lợi ích do men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỉ lệ các vi sinh vật gây bệnh, làm tăng khả năng hấp thụ a xít amin, từ đó cho chất lượng thịt nạt cao. Bên cạnh đó, nhiệt từ hoạt động lên men vi sinh sẽ giúp giữ ấm cho vật nuôi vào mùa lạnh.
Ông Huỳnh Minh Trí - Trưởng phòng Tài nguyên Môi Trường huyện nhận định: phương pháp nuôi heo trên đệm lót sinh thái có rất nhiều ưu điểm so với nuôi heo theo truyền thống trước đây. Với mô hình này, phân và nước tiểu của gia súc thải ra sẽ được vi sinh phân giải hầu như hoàn toàn, do đó vấn đề ô nhiễm giảm đáng kể. Đặc biệt, mùi hôi thối giảm hơn 95%.
Ông Hồ Thanh Hoàng - Phó trưởng trạm Khuyến Nông huyện Lai Vung cho biết: áp dụng mô mình nuôi heo trên đệm lót sẽ hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm được chi phí, tăng thêm lợi nhuận. Thời gian tới, trạm Khuyến Nông huyện phối hợp trung tâm Khuyến Nông tỉnh sẽ tổ chức hội thảo ở các xã, thị trấn trong huyện để giới thiệu về những ưu điểm của mô hình nhằm khuyến khích, hướng dẫn nông dân áp dụng chăn nuôi heo theo hướng hiện đại để phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày qua ở Hà Nội, thời tiết nắng nóng kéo dài đan xen những trận mưa khiến cho việc sản xuất rau của người dân các vùng rau ngoại thành gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, giá rau lên xuống thất thường và giảm mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nên thu nhập của người trồng rau giảm rõ rệt.

Anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên.

27 tuổi là ông vua của một trang trại trồng nấm ở huyện Tân Yên, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đó là anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu là một người như thế.

Ngư dân không bám biển thì không có cá, tôm không có sinh kế. Đặc trưng sinh kế này buộc ngư dân phải gắn bó rất chặt chẽ với biển. Muốn ra được biển trong bối cảnh phức tạp hiện nay họ cần được đầu tư hỗ trợ. Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân; tuy nhiên, vì nhiều lý do, các chính sách này chưa đến được ngư dân. Không được tiếp sức kịp thời, hiệu quả khi đang ở giai đoạn khó khăn nhất, ngư dân ngày càng đuối sức, khai thác thủy sản Hải Phòng vì thế ngày càng tụt hậu.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt gia súc bị bơm nước.