Nuôi Bò Trên Đất Khó

Người dân tổ Tiểu Tây, thôn Phước Lợi, Tam Lãnh (Phú Ninh) mạnh dạn đầu tư nuôi bò theo quy mô bầy đàn, mở ra hướng phát triển kinh tế chủ lực nơi “vùng đất khó” này.
Sự yếu kém về hạ tầng là lực cản rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tiểu Tây - ngôi làng nằm trên ngọn núi Lô. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, người dân Tiểu Tây đã nhìn ra thế mạnh và biết phát huy thế mạnh từ việc trồng cỏ nuôi bò.
Năm 2014 đánh dấu chuyển biến quan trọng ở Tiểu Tây khi 27 gia đình của tổ không còn hộ nào nằm trong diện nghèo. Để thấy sự thay đổi lớn, có thể làm phép so sánh với thời điểm vài ba năm trước, khi Tiểu Tây được biết đến là vùng đất nhiều cái “không”.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng thôn Phước Lợi cho biết, nơi đồi núi này trồng lúa rất khó, chỉ sản suất được một vụ nhờ nước trời nên người dân đang tập trung vào thế mạnh trồng keo và nuôi bò.
“Trong khi trồng rừng chi phí vận chuyển rất cao vì sự cách trở của đường sá thì chăn nuôi bò xu hướng quy mô bầy đàn đang là hướng đi bền vững. Đến nay, tổng đàn bò của người dân tổ Tiểu Tây lên đến hàng trăm con, và cũng chính nhờ chăn nuôi bò mà tổ đã không còn hộ nghèo, dù hiện nay giao thông vẫn chưa thuận lợi” - ông Tâm nói.
Từ 2 con bò giống thời điểm 5 năm trước, đến nay đàn bò của nhà bà Lê Thị Lực đã lên đến 11 con, mới đây bà vay mượn mua một con bò lai sinh sản giá 23 triệu đồng, và mua 1 con trâu. “Nhà còn hai đứa con trai đang học cao đẳng ở Hội An và Đà Nẵng. Mỗi lần túng tiền là bán bò chu cấp cho chúng nó ăn học. Ở đây đồi đất rộng nên thuận lợi trong việc trồng cỏ và chăn thả tự nhiên, bò lớn nhanh, phát triển tốt” - bà Lực cho hay. Dọc triền núi Lô, xanh um một màu của cây keo và cỏ voi.
Ở Tiểu Tây, nhà ít nhất cũng nuôi chục con bò, có những hộ nuôi với số lượng 20 - 30 con như gia đình ông Phạm Văn Trung, Phạm Văn Phú… Việc chăn nuôi ở đây sẽ phát triển mạnh nếu người dân có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay hơn nữa để mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. Và khi đó chăn nuôi bò không chỉ dừng lại ở việc thoát nghèo, ổn định sinh kế mà còn hướng đến mục tiêu làm giàu trên chính mảnh đất này. “Nhà tôi nuôi bò ít nhất làng, chỉ có 8 con.
Giờ rất muốn phát triển đàn bò nhưng vốn không có, đã đi vay nhiều chỗ, nhiều nơi rồi nên không thể vay thêm được nữa” - ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi) nói. Trưởng thôn Phước Lợi - Nguyễn Văn Tâm nói thêm, có rất nhiều hộ dân tổ Tiểu Tây muốn nhân rộng đàn bò để tương xứng với diện tích đất đồi trồng cỏ, nhưng nguồn vốn đang là vấn đề lớn. Nếu cứ lấy ngắn nuôi dài thì phải mất khoảng thời gian rất lâu mới “gầy” được đàn bò như mong muốn.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/201411/nuoi-bo-tren-dat-kho-557949/
Có thể bạn quan tâm

Sau khi dự án ngọt hóa sông Nghèn đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chẽm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (còn gọi là công nghệ nuôi heo không phân), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Ngày 24/4/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Kaettart (Vương quốc Thái Lan) tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn.