Niềm Vui Lớn Từ Ngân Hàng Bò

“Vui lắm, thế là sau gần 2 năm nhận bò giống, nay đã có bê để luân chuyển, gia đình mình thực sự đã được sở hữu con bò giống của "ngân hàng bò" rồi đấy!”.
Chị Lò Thị Kiệu ở bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) bày tỏ niềm vui, sau bao công sức vất vả bỏ ra để chăm sóc con bò giống mà chị nhận từ Chương trình “ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ. Gia đình chị Kiệu là một trong số 100 hộ nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông được hưởng lợi từ chương trình dự án đã triển khai từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn.
Để dự án triển khai thực hiện hiệu quả, cùng với việc tham mưu cho UBND huyện thành lập ban quản lý dự án cấp huyện, cấp xã, Hội Chữ thập đỏ huyện Điện Biên Đông đã xây dựng chương trình phối hợp với Trạm Thú y huyện trong công tác quản lý, tiêm vaccine phòng bệnh và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò sinh sản cho người dân.
Theo các tiêu chí dự án đề ra, các hộ được nhận bò phải được thôn, bản bình xét, lựa chọn phù hợp và đều phải ký cam kết thực hiện theo quy định. Đến nay tổng số đàn bò đã tăng lên 112 con, trong đó có 7 con đã được chuyển giao cho các hộ nghèo khác nuôi.
Bà Đào Thị Luyến - Phó Trưởng ban Công tác xã hội (Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên) cho biết: Chương trình "ngân hàng bò" được triển khai thực hiện tại các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Điện Biên, Mường Ảng và Mường Chà.
Đến nay, đã có 392 con bò giống được hỗ trợ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Ban quản lý dự án đã tổ chức luân chuyển hơn 30 con bò giống cho các hộ tiếp theo được hưởng lợi. Cách thức nuôi luân chuyển là các hộ được hỗ trợ bò giống nuôi đến khi bò sinh sản con bê đầu tiên và tiếp tục chăm sóc thêm 6 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi.
Trong trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bê đực, Ban quản lý dự án huyện và xã thực hiện dự án sẽ chịu trách nhiệm thanh lý con bê đó. Cộng dồn số tiền thanh lý 2 con bê đực sẽ được dùng để mua 1 con bê cái và trao cho hộ nghèo khác trong địa phương nuôi… Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai tại các huyện Mường Chà và Mường Ảng.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 8-6, theo Viện Lúa ĐBSCL, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ… đang bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên nông dân giảm được khá nhiều về chi phí đầu tư, đồng thời tăng được năng suất lúa. Theo dự kiến, với khoảng 1,7 triệu ha lúa hè thu năm 2014, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu về từ 7- 8 triệu tấn lúa.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, Việt Nam là nước XK mực, bạch tuộc lớn thứ 2 vào Hàn Quốc.

Xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) là nơi có mô hình trồng lúa chất lượng cao an toàn đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2008. Để đạt được kết quả này, nông dân trong xã đã kiên trì thực hiện qua nhiều năm với nhiều nội dung: IPM, “Cánh đồng sạch và xanh”, Chương trình “3 giảm 3 tăng”, dự án “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn” tiến tới mô hình lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề nuôi gián đất, nhưng khi triển khai đã bị yêu cầu tiêu hủy.

“Xoài R2E2 được trồng ở đâu?”, câu hỏi này vẫn xôn xao dư luận bởi ngoài ở nước Úc, xoài R2E2 (Row 2 Example 2, tên khoa học Mangifera indica L) còn được trồng ở Khánh Hòa, Việt Nam. Thế nhưng, những tin đồn thất thiệt đang khiến trái xoài Úc Khánh Hòa bị người mua dè chừng.