Nhọc Nhằn Mùa Biển Động

“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.
Nằm bờ vì thời tiết xấuNeo hai con tàu giã cào tại Âu thuyền Thọ Quang, những ngày qua, thuyền trưởng Nguyễn Công cùng với 2 lao động còn lại của mình ngày nào cũng nhìn thời tiết mà thở dài. Sáng cà-phê, chiều mua rượu, bia cùng với mấy con mực khô nhâm nhi cho qua ngày. Anh Công than thở: “Mặc dù trên tàu đầy đủ mọi thứ cho chuyến ra khơi mới rồi, nhưng gió bão liên tục, không khí lạnh tăng cường, sóng cao 2 - 3m, nên anh em không ai dám đùa giỡn với tính mạng của mình. Tàu nằm bờ, lao động đã về quê hết”.
Những ngày qua, Âu thuyền Thọ Quang đông nghẹt tàu thuyền. Hầu hết tàu thuyền ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa và duyên hải miền Trung đều về trú tránh ở đây.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cương (chủ tàu QNg 94303, trú Đức Phổ, Quảng Ngãi) chia sẻ: “9 tháng đầu năm, tàu chúng tôi thường khai thác ở ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, hơn một tháng nay phải nằm bờ do thời tiết xấu”. Nghỉ biển lâu, các lao động trên tàu anh Cương đã về quê hết. “Tôi sợ thời tiết kéo dài mãi thế này thì lao động của tôi cũng chán. Lao động mà bỏ tàu thì mình cũng cho tàu nằm bờ luôn, vì không có người đi biển”, anh Cương lo lắng nói.
Hàng trăm tàu cá của thành phố Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng nằm bờ và đậu dọc vịnh Mân Quang, phía sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo và khu vực cầu Rồng). Tàu Sang Fish 01 của Lê Văn Sang cũng nằm bờ hơn một tháng nay. Ngoài ra, vì hầu hết ngư dân miền Trung ít ra khơi nên hai con tàu hậu cần cũng rảnh rỗi hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, tại Cảng cá Thọ Quang, đa phần các tàu trở về bến đều đánh bắt ở vùng lộng và vùng bờ, nên cá nhỏ, sản lượng ít…
Nhọc nhằn làm ăn mùa biển động
Theo các lão ngư, mùa biển động thường cá nhiều. Lý giải nguyên nhân, một số ngư dân cho biết là con cá thường đi theo con nước lớn. Để đánh bắt được nhiều cá, vượt qua sóng gió thì đòi hỏi ngư dân phải có nhiều kinh nghiệm về biển cả. Bằng kinh nghiệm của mình, trong tháng 11-2014, tàu ông Lê Văn Khăng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) ra khơi hai chuyến và đều trúng đậm.
Theo các thuyền viên, trong hai chuyến ra khơi vừa qua đã cho thu nhập bằng 4 chuyến ra khơi trước đó cộng lại. Tuy làm ăn được nhưng ông Khăng cho biết, công việc khá vất vả vì gió mạnh, sóng lớn, nước chảy xiết nên mỗi lao động phải gắng hết sức. Dẫu vậy, vì có con cá, con mực nên anh em ai cũng ham, quên cả mệt nhọc.
Còn ông Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, dù hơn 20 ngày qua vẫn còn nằm bờ, nhưng giờ đây ông đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu để ra khơi, cho dù thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, bất thường. Để làm ăn trong mùa mưa gió, ông Xin chuyển từ nghề chụp mực sang nghề lưới rê 3 lớp.
“Ngày nào anh em cũng điện hỏi tôi thời tiết những ngày tới thế nào. Tâm trạng ai nấy cũng nôn nóng lắm. Mà không nôn nóng sao được, ai cũng nghỉ hơn 20 ngày chưa cho tàu ra biển mà”, ông Xin nói. Theo ông Xin thì sóng lớn, gió nhiều, làm nghề lưới rê 3 lớp cũng đỡ vất vả hơn.
Có mặt tại Âu thuyền Thọ Quang – khu vực gần cầu Mân Quang, mấy ngày qua cũng có một số tàu Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam ghé vào các nhà máy để lấy đá. Các tàu này cũng đã nằm bờ hơn một tháng nay, giờ nôn nóng ra khơi “kiếm cơm” cuối năm.
“Nằm bờ cũng đã lâu rồi, chừ tranh thủ lấy đá, nhiên liệu để chuẩn bị ra khơi. Biết là vất vả, nhọc nhằn, thậm chí là rất nguy hiểm nhưng hy vọng sẽ có nhiều cá, mực để trang trải cuộc sống cho dịp Tết đang đến”, ngư dân Phan Văn Toàn (chủ tàu cá có công suất 1.000 CV, ngụ Quảng Bình) chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Theo giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương - Lào Cai), chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng Seo Di khi anh chuẩn bị lên đồi hái quýt cho phiên chợ cuối tuần. Sau gần 2 giờ đi bộ lên đồi, tôi có dịp nghe anh kể về hành trình thoát nghèo của gia đình nhờ cây quýt Mường Khương.

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.

Một thống kê mới vừa được Bộ NNPTNT công bố: Riêng năm 2013, Việt Nam đã phải bỏ ra tới 12,4 tỷ USD để nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp bao gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp… phục vụ sản xuất. Riêng con số này đã chiếm tới trên 40% kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn ngành. Điều gì đang và sẽ xảy ra với nền nông nghiệp nước ta?

Sau này, khi lên Tây Bắc, tôi thấy bà con dân tộc trên này dùng phổ biến tô mộc để cho vào nước uống. Họ chẻ và băm gỗ tô mộc thành những mảnh nhỏ và đựng trong một ống tre để ở bàn nước. Khi pha trà, họ lấy 1 vài mảnh gỗ tô mộc đó và cho vào ấm cùng với chè.