Những Cánh Đồng Trăm Triệu Ở Phúc Thọ (Hà Nội)

Những năm gần đây, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị canh tác với nhiều giải pháp đột phá và chính sách hỗ trợ thiết thực cho nông dân.
Sau một thời gian triển khai, những cánh đồng hoa, rau trái vụ, vùng chăn nuôi tập trung cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm đã xuất hiện ngày một nhiều.
Phát huy thế mạnh
Lâu nay, bà con nông dân vẫn có tập quán sản xuất theo thời vụ, mùa nào thức ấy. Thế nhưng, với sự hỗ trợ đắc lực của các tiến bộ kỹ thuật, mô hình trồng cây trái vụ đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn chính vụ. Điều đó được chứng minh thực tế tại huyện Phúc Thọ.
Vụ mùa 2014, được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, huyện đã triển khai trồng thí điểm 1 sào su hào Pháp trái vụ tại hộ gia đình ông Vũ Văn Sáu, xã Vân Phúc. Sau thời gian 40 - 45 ngày cho thu hoạch, thu lãi khoảng 8 triệu đồng/sào/lứa. Từ thành công này, Phúc Thọ tiếp tục nhân rộng ra nhiều diện tích khác. Đến nay, diện tích trồng su hào trái vụ của Phúc Thọ đạt 2ha, tập trung ở các xã Vân Phúc, Hát Môn, Thanh Đa, Tam Thuấn cho thu lãi hơn 190 triệu đồng/ha.
Ngoài rau trái vụ, Phúc Thọ có 234ha rau an toàn, phân bố ở các xã Thọ Lộc, Sen Chiểu, Võng Xuyên, Vân Phúc, năng suất đạt từ 36 - 38 tấn/ha/vụ. Ước tính giá trị canh tác khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 - 10 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, mô hình trồng hoa chất lượng cao dù mới được đưa vào trồng thí điểm vài năm nay nhưng đang cho hiệu quả vượt xa so với các cây trồng truyền thống.
Ông Phùng Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, diện tích trồng hoa ly của huyện hiện đạt 6ha, chủ yếu ở các xã Tam Thuấn, Thượng Cốc, Thanh Đa, Hát Môn, Tích Giang. Trừ chi phí cho thu lãi 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Về cây ăn quả, mô hình trồng chuối Tây Thái Lan diện tích 30ha ở các xã Vân Nam, Vân Hà cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Về chăn nuôi, trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng hình thành một số trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Cẩm Đình quy mô 10.000 con, thu lãi 700 - 800 triệu đồng/năm; nuôi lợn rừng quy mô hơn 1.000 con, trừ chi phí lãi 400 triệu đồng/năm. Đặc biệt, mới đây, huyện Phúc Thọ còn thí điểm nuôi bò thịt BBB tại xã Thượng Cốc cho thu lãi 10 - 12 triệu đồng/tháng với quy mô nuôi 10 con/hộ...
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo lãnh đạo huyện Phúc Thọ, trong bối cảnh đất sản xuất không thể mở rộng thêm, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản. Do đó, huyện đã chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ cho người nông dân, HTX cũng như các DN.
Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 50% giá trị mua máy cấy và 100% giống ở các diện tích áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy. Đến nay, khâu cơ giới hóa trong khâu làm đất của huyện đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 50% và cấy đạt 8%. Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích thành lập các hội chăn nuôi để các hội viên cùng giúp nhau phát triển sản xuất, hướng tới chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra sản phẩm sạch.
Đáng chú y, huyện còn khuyến khích các DN vào thuê đất, thuê ruộng của nông dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp nhằm tăng lợi nhuận cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Hoàng Gia Đông Dương đã xây dựng và lắp đặt cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi xuất khẩu. Huyện chủ trương tiếp tục tạo điều kiện cho công ty thuê đất của nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu, đáp ứng công suất hoạt động.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực rà soát tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Đồng thời tạo mọi điều kiện thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Sắp tới, huyện Phúc Thọ sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ và triển khai chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù diện tích xuống giống giảm, nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi, lúa được giá phần nào khuyến kích nông dân đầu tư, chăm sóc nên năng suất

Việt Nam vừa thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp cho phía Philippines 200.000 tấn gạo 25% tấm với giá tương đương 475 USD/tấn; cung cấp cho phía Indonesia 200.000 tấn gạo (trong đó 50.000 tấn gạo 5% tấm với giá 443,5 USD/tấn (FOB) và 150.000 tấn gạo 15% tấm với giá 442,1 USD/tấn).

Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999-2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực. Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê trở thành đơn vị đầu tư, thu mua phần lớn nguyên liệu mía khu vực phía Đông.

Năm nay, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) thả nuôi 306 ha thuỷ sản các loại như: cá kình, tôm sú, tôm rảo, cua…, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hải Dương và Hương Phong.

Sáng 27/9, tại UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Tiểu Ban quản lý Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là CRSD) Khánh Hòa đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP trên 4 ao nuôi tôm tại xã Ninh Phú.