Nhập Khẩu Bò Thịt Từ Úc Tăng Mạnh

Theo số liệu thống kê của Úc, đến hết tháng 5-2014 Úc đã xuất khẩu ra nước ngoài 527.000 con bò, trong đó xuất sang Việt Nam khoảng 13%, tức khoảng 72.000 con, nhiều hơn tổng số bò Việt Nam nhập từ Úc trong cả năm 2013.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay năm ngoái Việt Nam đã nhập 66.951 con bò Úc, đầu năm hiệp hội ước tính cả năm 2014 sẽ nhập khoảng 120.000 con, nhưng theo tình hình hiện nay thì số bò Úc sẽ nhập khẩu năm nay sẽ lên tới 150.000 con.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, sở dĩ lượng bò Úc nhập khẩu tăng mạnh là do lượng bò nhập về từ Lào và Campuchia giảm sút. Năm 2012, lượng bò nhập từ hai nước này về Việt Nam khoảng 180.000 con, nhưng đến 2013 chỉ còn 96.000 con do các nước này không còn nhiều bò để xuất khẩu.
Trong khi đó, năm 2012 lượng bò nhập từ Úc chỉ hơn 3000 con, đến năm 2013 tăng lên 66.951 con.
Hiện nay, việc nhập khẩu bò Úc đã thuận tiện hơn do các cơ quan về thú ý, xuất nhập khẩu, vận chuyển, các đầu mối giết mổ quy mô lớn... đã hoạt động ổn định.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, Vissan là doanh nghiệp tiêu thụ bò Úc khá lớn dù không phải là đơn vị trực tiếp nhập khẩu. “Hiện bình quân mỗi ngày Vissan giết mổ 50 con bò Úc cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tươi sống tại TPHCM,” ông Mười nói.
Tuy nhiên, ông Lưu Sơn Thủy, Giám đốc DNTN Thủy Hà, cổ đông Công ty CP Kết Phát Thịnh (tỉnh Long An) - một trong hai công ty đầu mối khu vực phía nam nhập khẩu trực tiếp bò thịt nguyên con từ Úc - cho hay trong ba tháng vừa qua (tháng 5, 6,7) công ty đã ngưng nhập khẩu bò thịt từ Úc.
Lý giải tình trạng trên, ông Thủy cho biết, do giá bò Úc đã tăng lên quá cao. Hơn nữa, trên thị trường hiện nay xuất hiện thịt trâu Ấn Độ đông lạnh, được nhập về khá nhiều với mức giá khá rẻ chỉ có 40.000 – 50.000/kg nên thịt bò Úc cũng khó cạnh tranh.
Ông Vang cũng cho biết giá bò Úc về tới Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua. Cụ thể, năm ngoái giá bò Úc nguyên con khoảng 2,4 USD/kg, nhưng năm nay đã tăng lên mức 3,2 USD/kg. Mức giá này khá cao nên một số doanh nghiệp sẽ e dè không nhập tiếp nữa.
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa phối hợp với Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới tổ chức “Diễn đàn Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới (ITGA) – Khu vực Châu Á”. Đại diện của 8 quốc gia trong khu vực châu Á đã có mặt và tham dự diễn đàn này.

Ngày 24.4, Hội Làm vườn tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng đậu phụng thâm canh xen mì vụ Đông Xuân với sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân tại địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người trồng bí tại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đều đến từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Họ phải thuê đất của người dân trong làng với giá từ 3 đến 8 triệu đồng/ha/vụ hoặc 3 triệu đồng/ha trong thời gian trên 2 năm. Hộ ít trồng 7 sào, hộ nhiều cũng trên 2 ha. Và việc trồng bí của họ cũng giống như 1 canh bạc, năm được, năm mất. Năm nay, ngoài một số ít hộ có lãi nhờ trồng sớm, còn lại đa số đều bị thua lỗ do bí vừa mất mùa, vừa mất giá.

Việc thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông báo số 3020/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại cây hồ tiêu.

Cuộc tọa đàm trực tiếp có chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”. Sáng 26/4, tại Cà Mau, Hệ thời sự chính trị tổng hợp (VOV1) và Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”.