Nhân rộng các giống lúa chịu phèn, mặn

Ngoài các biện pháp ngăn mặn hữu hiệu thì việc đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa chịu mặn tốt mà vẫn cho năng suất cao là rất cần thiết.
Nhiều diện tích đất lúa trên địa bàn TP.Tam Kỳ nhiễm mặn nên cần thiết đưa vào sản xuất những giống lúa chịu phèn, mặn tốt mà vẫn đảm bảo năng suất.
Báo cáo từ Trung tâm ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ, mỗi năm, địa phương có trên 200ha đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, mặn không sản xuất được, tập trung chủ yếu tại các xã Tam Thăng, xã Tam Phú, phường An Phú...
Trong đó, phường An Phú là địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, mặn nhiều nhất do các cánh đồng nằm chủ yếu dọc theo các nhánh sông Bàn Thạch.
Tỷ lệ nước mặn xâm nhập tại đây cũng khá cao, mức 5 - 6o/oo, tập trung vào thời điểm từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7 âm lịch.
Chính vì vậy, vụ hè thu năm nào, phường An Phú cũng chật vật với công tác chống phèn, mặn cho đất lúa.
Vụ hè thu năm nay, An Phú cũng đã sử dụng gần 30 cống bi và 6 ba ra ngăn mặn nằm dọc theo các nhánh sông Bàn Thạch và tăng cường việc tu bổ bờ đập nhưng khi đưa vào gieo sạ hơn 190ha lúa thì vẫn có trên 80ha bị nhiễm phèn, mặn, tập trung tại các cánh đồng khối phố Phú Ân, Phú Sơn, Phú Phong.
Ông Ngô Văn Tùng - Phó Trưởng ban Kinh tế phường An Phú cho biết, để đối phó với phèn, mặn trong vụ hè thu vừa qua, địa phương đã yêu cầu bà con nông dân sạ muộn hơn so với các địa phương khác để tránh thời gian cao điểm của các đợt nhiễm mặn.
Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, trong khi các địa phương khác đã thu hoạch xong vụ hè thu thì tại phường An Phú vẫn còn trên 40ha lúa chưa thu hoạch.
Ngoài các biện pháp nêu trên, địa phương cũng đã đưa vào gieo sạ các giống lúa thích nghi với đất đai nhiễm mặn nơi đây. “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã vận động nhân dân đưa vào gieo sạ nhiều giống lúa như:
Khang dân 18, HT1, TH 3-3. Đây là các giống lúa chịu mặn tốt. Chúng tôi cũng đưa vào sản xuất một giống lúa ngắn ngày là PC6 để bà con có thể tránh được thời gian nhiễm mặn mà vẫn đảm bảo mùa vụ” - ông Tùng cho biết thêm.
Tuy nhiên, thực tế từ vụ hè thu năm 2015 tại phường An Phú cũng cho thấy, các giống lúa Khang dân 18, HT 1, TH 3-3 hay PC6 trồng tại các cánh đồng bị nhiễm mặn cho năng suất không cao.
Bởi cây lúa là nhóm cây chịu mặn yếu và chỉ phát triển được ở những vùng đất có tỷ lệ nhiễm mặn thấp, từ 1,4 đến 2o/oo.
Ở những vùng có tỷ lệ nhiễm mặn trên 4o/oo, cây lúa bị lùn, trổ muộn, lúa bị lép lửng, tỷ lệ hạt chắc giảm.
Theo ông Trần Anh Quân - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ, trong 4 năm gần đây, do tình hình biến đổi khí hậu, một số điều kiện tự nhiên trong vùng bị thay đổi không còn theo quy luật.
Tại vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nước mặn xâm nhập vào nội đồng khá sớm và độ mặn cũng tăng cao hơn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Từ đó, nhiều diện tích lúa không sản xuất được, bị bỏ hoang hàng trăm héc ta.
Vì thế mà việc trồng thử nghiệm và nhân rộng những giống lúa có thể chịu mặn tốt mà vẫn cho năng suất cao là hết sức cần thiết. Trong các giống lúa trồng thử nghiệm, có 2 giống lúa là 24SS và SH2 đã được trung tâm chọn để nhân rộng, thay thế cho các giống lúa trồng tại các vùng ngập mặn trước đó.
Giống lúa 24SS là giống lúa có thời gian sinh trưởng 93 - 100 ngày, chất lượng gạo ngon, dạng hạt thon. Còn giống lúa SH2 là có thời gian sinh trưởng 100 - 110 ngày, chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, có mùi thơm nhẹ, hạt dài.
Ông Trần Anh Quân cho biết thêm: “Từ vụ hè thu năm 2011, chúng tôi đã đưa vào trồng thử nghiệm giống lúa 24SS và SH2 tại các vùng ngập mặn trên địa bàn thành phố với diện tích gần 20ha. Bước đầu đã cho kết quả khả quan.
Hai giống lúa này thích ứng tốt với các chân ruộng nhiễm phèn, mặn, lại có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, số hạt bông nhiều, tỷ lệ hạt lép thấp.
Giống lúa 24SS trồng thử nghiệm tại một số hộ dân cho năng suất từ 58 - 72 tạ/ha trong khi đó, giống lúa SH2 cho năng suất từ 60 - 68 tạ/ha.
Chính vì thế mà trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương có diện tích đất lúa bị nhiễm mặn để đưa hai giống lúa này vào trồng đại trà, đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 8-8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và định hướng nhân rộng các mô hình vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Vẹn ở xã Vĩnh Hội Đông An Phú (An Giang) cho biết, đầu mùa lũ, đáy dính cá linh non ít, bình quân mỗi ngày chỉ khoảng 5 - 10 kg.

Trái với sự sôi động, náo nhiệt tại khu vực phía Nam, ngành thủy sản miền Bắc hơn một thập kỷ qua vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Ngoài đặc thù địa lí, khí hậu, tập quán thì nguyên nhân chính khiến thủy sản miền Bắc èo uột như hiện tại là do hệ thống nghiên cứu và SX giống quá yếu, lem nhem.

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, sau khi Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tiến hành lấy mẫu giám định hiện tượng lúa bị bệnh vàng lá ở huyện Đông Hòa bằng phương pháp RT-PCR, xác định đó là bệnh vàng lá tungro. Tác nhân môi giới truyền bệnh là rầy xanh đuôi đen.

Mít siêu sớm có nguồn gốc từ Thái Lan, mới được du nhập vào các tỉnh Đồng Bằng Sông Cứu Long một số năm gần đây nhưng đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà vườn và người tiêu dùng vì có nhiều ưu điểm mà giống mít bình thường không có được: Dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí phân, thuốc thấp, năng suất, lợi nhuận cao, một cây mít ở độ tuổi 2 năm trở lên cho thu hoạch bình quân 100kg trái/năm.