Người Trồng Sả Hốt Bạc Ở Quảng Nam

Trong khi các địa phương khác ở miền Trung thất thu vụ sả do liên tiếp hứng lũ lụt thì tại thôn Lộc Sơn, xã Quế Long (Quế Sơn - Quảng Nam), người dân lại “hốt bạc” vì sả được trồng toàn bộ trên núi.
Lần đầu tiên sau hơn 10 năm trồng sả, người dân “thủ phủ” sả Lộc Sơn trúng đậm vì giá cả bất ngờ tăng vọt. Có mặt tại Lộc Sơn những ngày này, chúng tôi nhận thấy, người dân ai cũng phấn khởi trước một mùa sả “ngọt”, không khí bán mua hết sức nhộn nhịp.
Vác bó sả chắc nịch trên vai, ông Bùi Xuân Năng, người có diện tích trồng sả lớn nhất thôn Lộc Sơn (hơn 7ha), cho biết: “Nếu các năm trước, giá sả dao động từ 2.000 - 6.000 đồng/kg thì nay tăng lên 10.000 đồng/kg. Một ngày tôi cùng vợ thu hoạch được khoảng 1 tạ, kiếm trên dưới 1 triệu đồng”.
Theo người dân thôn Lộc Sơn, muốn đem sả về nhà, đa phần họ nhổ, nhặt sạch rễ, cắt ngắn lá từ rẫy rồi dùng ghe vận chuyển qua hồ Giang; thương lái đến tận nhà thu mua nên không vất vả lắm.
Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Cây sả chủ yếu được trồng xen với keo lá tràm; khi keo lá tràm lớn thì thu hoạch được khoảng 2 - 3 mùa sả. Cứ thế chờ đến khi khai thác keo xong lại tiếp tục trồng xen sả vào. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ dùng đất rẫy trồng chuyên loại cây này để không phải trồng lại”.
Về lý do giá sả thời gian qua bất ngờ tăng cao, thương lái Nguyễn Tuấn Anh (quê xã Hương An, huyện Quế Sơn) cho hay: “Do năm qua các vùng trồng sả khác phải liên tiếp hứng chịu bão lũ nên thất thu, duy chỉ có thôn Lộc Sơn là sả được trồng toàn bộ trên núi nên không bị ảnh hưởng. Đó là một lợi thế trời cho để phát triển loại cây gia vị này. Ngoài ra, hiện nhu cầu mua sả làm gia vị tại các chợ, nhà hàng… tăng cao nên khả năng trong thời gian tới, giá sả tiếp tục tăng”.
Theo ông Trần Văn Thi, Trưởng thôn Lộc Sơn, thôn hiện có 102 hộ, gần 100% số hộ tham gia trồng sả. Với địa hình 3/4 là núi, những năm gần đây, sả trở thành cây trồng chủ lực của thôn, cho thu nhập ổn định, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Với kinh nghiệm trồng sả hơn 10 năm, người dân Lộc Sơn cho biết, cây sả dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu rét, chịu hạn tốt, thích hợp với mọi loại địa hình (trừ vùng ẩm ướt), thời gian thu hoạch tương đối ngắn và hoàn toàn không có sâu bệnh, cho thu nhập ổn định nên có thể nhân rộng ra trồng ở các vùng khác. Hiện, các thôn lân cận cũng bắt đầu trồng loại cây gia vị này.
Có thể bạn quan tâm

Phát huy lợi thế về ao, hồ, sông, suối và lòng hồ thủy điện trên địa bàn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện lên 325 ha.

Từ năm 2008 đến nay, tôm thẻ chân trắng được các hộ nuôi chọn làm chủ lực thay thế con tôm sú trên diện tích nước mặn lợ của các địa phương ven biển. Đến nay, diện tích nuôi đã vượt con số 1.300 ha/vụ. Tuy nhiên, liên tiếp trong những năm qua, dịch bệnh xảy ra, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khiến nhiều hộ nuôi tôm lao đao.

Hiện nay, người nuôi tôm Sóc Trăng đã thả nuôi gần 31.000 ha tôm nước lợ, tương đương 7,9 tỉ con giống, đạt 69% kế hoạch. Tuy nhiên đã có 7.400 ha bị thiệt hại, tương đương 1,5 tỉ con giống, chiếm 24% diện tích thả nuôi.

Thời tiết từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi, cộng thêm ngư cụ được cải hoán, nâng cấp khá hiện đại là những yếu tố quan trọng cho vụ cá Nam thắng lợi.

Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành. Người nuôi cá ở ĐBSCL vẫn đang lo lắng. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nhưng việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.