Người Trồng Mía Gánh Nhiều Nỗi Lo

Ở Đồng Nai đang vào vụ thu hoạch mía, song người trồng mía kém vui bởi nhiều nỗi lo: năng suất thấp, giá giảm mạnh, chữ đường trồi sụt khó lường và bị đánh giá tạp chất cao.
Theo nhiều người trồng mía, chữ đường tăng hoặc giảm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Ở vụ mía này, các nhà máy quy định, cứ giảm 1 chữ đường sẽ trừ 85 ngàn đồng/tấn. Như vậy, chỉ cần giảm 1 chữ đường, nông dân sẽ mất hơn 5 triệu đồng/hécta. Nếu bị đánh giá tạp chất cao, sẽ bị trừ thêm gần 1 triệu đồng/hécta.
* Thắc mắc chữ đường, tạp chất
Niên vụ 2013-2014, giá mía tại bàn cân nhà máy chỉ còn 930-950 ngàn đồng/tấn với mía 10 chữ đường, giảm hơn 100 ngàn đồng/tấn so với vụ trước. Nhiều người trồng mía đang thắc mắc việc đo chữ đường và tạp chất của các nhà máy. Trong thực tế, rất ít nông dân trồng mía đạt được 10 chữ đường, đa số chỉ đạt trên dưới 8 chữ đường. Vì thế, giá mía nông dân bán tại bàn cân nhà máy chỉ chừng 700-780 ngàn đồng/tấn. Tính chi phí đầu tư, thuê thợ chặt, xe chở mía về nhà máy, nông dân hết lời.
Ông Ngô Ngọc Hưởng ở ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), nói: “Cùng một ruộng mía chăm sóc như nhau và thu hoạch đưa về nhà máy cùng thời điểm, song xe thì đo được 9 chữ đường, xe chỉ gần 8 chữ“. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 1, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), thắc mắc: “Mía thu hoạch đầu vụ với cuối vụ chênh nhau 1-2 chữ đường còn hợp lý, nhưng thu cùng thời điểm mà chênh nhau đến 2 chữ đường là rất vô lý. Và cùng là mía như nhau, có xe đánh giá tạp chất cao, xe lại thấp”.
Lý giải vấn đề kiểm tra chữ đường, tạp chất, Phó giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An Trần Văn Ngà khẳng định: “Nhà máy từ trước đến nay làm việc rất uy tín, không có chuyện gian lận chữ đường hoặc cố tình đẩy tạp chất trong mía lên cao để trừ tiền của nông dân”. Tuy nhiên, ông Ngà cũng thừa nhận việc đánh giá chữ đường đôi khi chưa thật công bằng. Vì trên một xe mía, nhà máy sẽ lấy ngẫu nhiên một bó mía để đo chữ đường và đánh giá tạp chất. Nếu không may gặp phải bó mía nông dân chặt để ngọn và lá quá nhiều thì chữ đường sẽ thấp, còn tạp chất thì cao. Phía Công ty cổ phần mía đường La Ngà cũng cho hay, việc đo chữ đường và tính tạp chất là vấn đề khá nhiều nông dân trồng mía thắc mắc, nhưng cách đo chữ đường và tạp chất các nhà máy đều giống nhau.
* Lỗi ở khâu nào?
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu, nhận xét: “Mía chăm sóc khác nhau, thu hoạch đầu vụ, giữa vụ hoặc cuối vụ chữ đường tăng, giảm là chuyện bình thường. Song trên cùng ruộng chăm sóc, thu hoạch cùng thời điểm, mía khó có thể chênh nhau đến 2 chữ đường”.
Cũng theo ông Báu, nhiều nông dân đề nghị nên có đơn vị độc lập đo chữ đường, tạp chất trong mía vì sẽ công bằng hơn. Song điều này hiện không thể thực hiện được vì sẽ không có đủ con người, máy móc để làm. Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Những giống mía các nhà máy đưa về cho nông dân sản xuất đều là giống có năng suất, chất lượng cao trên 10 chữ đường. Nhưng khi sản xuất tại Đồng Nai, chỉ đạt 8-9 chữ đường thì phải coi lại xem lỗi do khâu nào để tránh thiệt hại cho nông dân”.
Ông Nguyễn Văn Tải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, nhận định: “Với giá mía này, những hộ trồng mía có năng suất thấp sẽ lỗ. Để tránh thiệt thòi trong quá trình đo chữ đường, tạp chất, khi thu hoạch nông dân cần làm đúng theo quy trình”. Còn Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An yêu cầu nông dân chặt mía sát gốc, năng suất tăng thêm 4 tấn/hécta, còn chữ đường tăng thêm 0,5. Như vậy, nông dân sẽ có thêm hơn 7 triệu đồng/hécta.
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến cuối tháng 10-2013 lượng đường tồn kho tại các nhà máy trong cả nước là 159.500 tấn, tăng hơn 49 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2012. Trong tháng 9, Bộ Công thương vẫn cấp quota nhập khẩu về 75 ngàn tấn đường. Việc nhập khẩu số lượng lớn, kèm theo đường lậu tràn vào Việt Nam khá nhiều buộc các doanh nghiệp mía đường trong nước giảm tiếp 500 đồng/kg đường, xuống còn 14.500 đồng/kg loại đường trắng.
Có thể bạn quan tâm

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.

Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.

Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.

Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) Thừa Thiên Huế Bùi Thị Hải Yến cho biết, gần đây đơn vị thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình nuôi tôm sú-rong câu trong ao nước lợ thực hiện thí điểm trong năm 2014 mang lại kết quả như mong đợi. Ưu điểm của mô hình là giãn khoảng cách vụ nuôi, tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao.