Người Hà Nội mua dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Nam

Thời gian vừa qua, lũ trên sông Vu Gia vào các ngày từ 25 đến 26/3 đã làm ngập và hư hỏng nhiều diện tích hoa màu ở tỉnh Quảng Nam.
Nhiều bà con nông dân trồng dưa hấu tại huyện Đại Lộc đã lâm vào hoàn cảnh bi đát khi khoảng 30ha ruộng dưa hấu đang đến ngày thu hoạch bỗng nhiên bị ngập trong nước lũ. Nhiều hộ gia đình trắng tay, một số người còn phải gánh thêm những khoản nợ không nhỏ từ vốn vay ngân hàng.
Chia sẻ với tình cảnh khốn khó của bà con nơi đây, nhiều người trẻ đã đứng lên vận động người dân tại một số tỉnh thành khu vực miền Trung chung tay mua dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Nam. Người tiên phong cho hoạt động ý nghĩa “Mỗi trái dưa là một tấm lòng” là anh Trần Đình Quốc Khương (Đà Nẵng). 100 tấn dưa bị ngập lụt đã được anh và các tình nguyện viên tại Đà Nẵng bán hết với giá 4.000đ/kg.
Sau một thời gian triển khai hoạt động, nhận thấy sức mua đã giảm, thị trường đã bão hòa nên anh quyết định dừng lại. Số tiền chênh lệch lúc bán dưa và số tiền quyên góp được anh cùng nhóm thiện nguyện trao tận tay các gia đình khó khăn của huyện.
Sau khi nghe thông tin còn một lượng lớn dưa của bà con bị ép giá cần tiêu thụ gấp, một nhóm thiện nguyện khác tại Hà Nội đã quyết định kết hợp với nhóm ở miền Trung, tiếp tục thu mua 14 tấn dưa hấu với giá 3 triệu đồng/tấn, chuyển ra thủ đô và một số tỉnh thành phía Bắc để tiêu thụ giúp bà con nông dân.
Trên trang facebook cá nhân của những người tham gia mua dưa ủng hộ bà con nông dân, tình hình mua bán dưa và vận chuyển tại Quảng Nam liên tục được cập nhật, kéo theo đó là rất nhiều những lời động viên, chia sẻ và vận động mua dưa của cộng đồng mạng.
Anh Nguyễn Huy Tuấn, đầu mối chuyển dưa từ Quảng Nam cho biết xe chở dưa đã có mặt tại Hà Nội vào tối ngày 6/4. Việc phân phối dưa và sắp xếp đơn hàng kéo dài suốt từ tối đến đêm, và ngay trong ngày 7/4, kế hoạch bán dưa tại 4 địa điểm trên các phố Nguyễn Khuyến, Trần Duy Hưng, Bà Triệu và khu đô thị mới Dịch Vọng đã được triển khai.
Dưa hấu đắt hàng như tôm tươi
Sáng 7/4, tại tòa nhà N07B3 – Khu đô thị mới Dịch Vọng, ngay từ sáng sớm, nhiều sinh viên khoác trên mình áo xanh tình nguyện đã có mặt để hỗ trợ cho việc bán dưa. Rất nhiều người đã tập trung tại đây, tiếng trao đổi, tiếng hỏi han làm huyên náo cả một góc đường Thành Thái. 3 tấn dưa đã được tiêu thụ hết chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ kể từ khi bắt đầu bán. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại các địa điểm còn lại.
Một khách hàng lái xe từ Vĩnh Phúc tới với ý định mua 100kg để về bán lại với giá tương tự cho biết: “Mình đã đặt mua từ hôm trước rồi, nhưng bây giờ đến thì lại được thông báo là hết dưa, trong khi mình đã phải tự lái xe đến đây để không mất tiền thuê xe vận chuyển”.
Chị Vũ Thị Huyền Trang, người phụ trách bán dưa tại địa điểm này cho biết, lượng khách đặt hàng qua trang facebook cá nhân của chị quá lớn, mỗi đơn hàng có thể từ vài chục, thậm chí lên tới vài trăm quả. Đây chính là nguyên nhân khiến cho lượng dưa tiêu thụ nhanh với tốc độ chóng mặt và không thể đáp ứng nhu cầu mua lẻ của rất nhiều người dân.
Lượng dưa có hạn trong khi sức mua lại lớn khiến cho những người phụ trách như chị Trang lâm vào cảnh dở khóc dở cười, “Tôi chỉ có từng đấy dưa để bán, trong khi mọi người cứ đặt mua 100 hoặc 150 quả mỗi đơn nên không đủ số lượng để bán lẻ, thành ra những đơn đã đặt từ trước cũng không đủ dưa để bán, những người khác đến không mua được lại nghĩ mình bán buôn, nhiều người quay sang trách móc”.
Chị cũng phân trần: “Chúng tôi bán dưa với mục đích ủng hộ nông dân, lẽ ra khi hết dưa rồi thì mọi người phải vui mừng mới phải, đằng này có người lại bất bình vì không mua được dưa”.
Được biết, giá dưa thương lái ép bà con nông dân là 800đ – 1.000đ/kg, trong khi các tình nguyện viên tại Hà Nội bán ra với giá 5.000đ/kg, tức là chỉ bằng khoảng 1/4 giá trên thị trường hiện nay./.
Có thể bạn quan tâm

Ông Thành bảo: “Ở vùng đất “chiêm khê, mùa thối” này, không mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi mà cứ trông vào cây lúa, củ khoai thì khó mà thoát nghèo được”. Ông kể về quá trình gian nan làm kinh tế của mình: Năm 1983, sau khi xuất ngũ trở về, ông lập gia đình.

Năm 1982, ông Thục từ chiến trường miền Nam trở về quê hương với thương tật ¼. Về quê, ông cùng với vợ con chăm chỉ làm ăn nhưng đói nghèo cứ bủa vây lấy gia đình ông. Năm 1988, ông “bén duyên” với nghề nuôi ong. Lúc đầu, ông nuôi thử 5 đàn ong.

Nhìn ông Tư Đắc khó ai biết được ông đã ở vào cái tuổi 70. Những bước chân thoăn thoắt bám theo đàn bò trên vùng đất gập gềnh sỏi đá của ông khiến chúng tôi đeo theo muốn bở hơi tai. 20 năm trước, ông Tư Đắc cùng hai người bạn từ phố thị Phan Rang rủ nhau lên đây thuê 120ha đất khai hoang.

Nhờ nuôi cá sấu, người nông dân tròm trèm 60 tuổi với nước da ngăm đen, giọng nói điềm đạm từng rướn mình chở khách trên khúc sông trước nhà, nay đã trở thành doanh nhân tỷ phú, đối tác mãi tận trời Tây .

48 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông, anh Từ Đình Vang (thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có được cơ ngơi bạc tỷ.