Ngư Dân Mỹ Á Vào Vụ Ruốc

Chỉ mới đầu mùa, nhưng những chiếc thuyền cập bến đều chất nặng đầy ruốc tạo nên một không khí tấp nập, phấn khởi cho ngư dân vùng biển Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ).
Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Khi những con ruốc theo con sóng ngoài khơi trôi vào bờ, cũng là lúc bà con ngư dân vùng biển bắt đầu một mùa ruốc. Người khiến ruốc vào bờ, người cân ruốc, người phơi ruốc tạo nên không khí đông vui tấp nập tại vùng biển Mỹ Á trong những ngày qua. Theo các ngư dân, địa điểm đánh bắt là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km.
Mỗi ngày, vào 5 giờ sáng vùng biển Mỹ Á đã có rất đông người đứng chờ những chiếc thuyền khai thác ruốc cập bến để thu mua ruốc. Thuyền của ngư dân Từ Văn Hải cập bến đầu tiên, hàng chục người vây quanh để mua ruốc. Một ngày, thuyền anh Hải đi được 4 chuyến, thu về hơn 500kg ruốc tươi.
Trừ mọi chi phí, mỗi lần đi anh chia cho 7 bạn thuyền, mỗi người được 700 nghìn đồng. “Những ngày qua ruốc nhiều vô kể. Trung bình một ngày thu về 12 triệu đồng, cá biệt vừa rồi có chuyến trúng đậm đến gần 30 triệu đồng”, ngư dân Từ Văn Hải, phấn khởi kể.
Điều làm ngư dân vùng biển Mỹ Á phấn khởi là ruốc năm nay không những được mùa mà còn trúng giá. Hiện nay, giá ruốc tươi là 40 nghìn/kg. Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, đang bưng giỏ ruốc tươi rói trên thuyền vừa mới cập bến, không giấu được niềm vui: “Hôm nay tôi mua được 50kg ruốc. Một ít tôi đem phơi, số còn lại thì đem ra chợ bán. Nếu nắng tốt thì phơi chừng 3 – 4 tiếng đồng hồ là khô. Mong rằng thời tiết thuận lợi để mùa ruốc kéo dài, chúng tôi có cái Tết đầy đủ hơn”.
Hiện tại, ở vùng biển Mỹ Á có hàng chục chiếc thuyền công suất loại vừa tham gia đánh bắt gần bờ, mỗi ngày thu về hàng chục triệu đồng.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/ngu-dan-my-a-vao-vu-ruoc-2356541/
Có thể bạn quan tâm

Năm 2011, hơn 36.000 tấn thanh long Bình Thuận được xuất khẩu giúp nông dân thu về 20 triệu USD.

Năm 2010, năm phát triển mạnh nhất, diện tích atisô Đà Lạt cũng chỉ dừng lại ở 90ha. Không chỉ là cây thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng mà atisô Đà Lạt còn được Bộ Y tế đưa vào bộ hồ sơ "dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển" của quốc gia. Trong bộ hồ sơ này, atisô là một trong 6 dược liệu được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đầu (cùng với sâm Ngọc Linh, đại hồi, trinh nữ hoàng cung, quế và tràm).

Huyện M’Đrak là vùng trồng mía lớn nhất tỉnh Đăk Lăk. Niên vụ này (2011- 2012), toàn huyện có trên 7.000 ha mía. Hiện giá mía giảm, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, cháy… khiến người trồng mía nơi đây đang đứng trước tình cảnh khó khăn.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), đến giữa tháng 6, dịch bệnh trên tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại trên 35.000ha và đang diễn biến rất phức tạp.

Ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm đang đứng trước khó khăn hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với dịch bệnh ngày càng phức tạp, thị trường bị thu hẹp, thiếu vốn để sản xuất...