Lợi Nhuận Cao Từ Nuôi Ếch

Nhờ chịu khó, ham học hỏi, anh Lê Thành Đô, ở ấp 8, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi ếch thịt và ếch giống.
Sống trong gia đình có truyền thống trồng lúa, kinh tế khó khăn, ngoài việc lo đồng áng, hàng ngày anh Đô còn chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Từ năm 2006, anh được tham quan mô hình nuôi ếch ở huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), anh nhận thấy ếch là loài dễ nuôi, giá bán ổn định… nên mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang nuôi ếch.
Không có vốn, anh phải cố 8 công đất ruộng để đầu tư cho mô hình này. Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn khi số lượng nuôi lần đầu tiên chết gần hết. Thế nhưng, qua nhiều lần nuôi, anh rút kinh nghiệm và đi đến thành công.
Hiện tại, anh có 11 hồ khoảng 200m2, trong đó có 2 hồ nuôi ếch thương phẩm với diện tích 36m2, thả 2.000 con mỗi đợt. Theo anh Đô, thời gian sinh trưởng từ 2 - 3 tháng thì ếch sẽ bán được, trọng lượng đạt từ 4 - 5 con/kg, giá bán từ 27.000 - 30.000 đồng/kg. Thức ăn chủ yếu của ếch là ốc, cá tạp, thức ăn công nghiệp nên cũng rất dễ mua, thậm chí tận dụng thời gian nhàn rỗi đi bắt ốc, đặt dớn cá để giảm chi phí. Bình quân, sau mỗi đợt nuôi ếch thịt, anh thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng và mỗi năm nuôi từ 3 - 4 vụ.
Hiện nay, không dừng lại ở việc nuôi ếch thịt, mà anh Đô còn thực hiện mô hình nuôi ếch giống. Nhận thấy thị trường bán con giống đang hút hàng nên anh đã nhân giống để bán cho bà con trong xóm và các tỉnh lân cận.
So về lợi ích kinh tế, thì ếch giống đem lại thu nhập cao hơn ếch thịt, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật. Theo anh Đô, thời gian nuôi ếch con thành ếch mẹ phải mất 12 tháng. Hiện anh có khoảng 600 con ếch bố mẹ, trung bình bán ra khoảng 150.000 ếch con/năm, giá bán từ 800 - 1.000 đồng/con, cho lợi nhuận hàng chục triệu đồng.
Anh Đô cho biết, đầu ra ếch thương phẩm và ếch giống tương đối ổn định, chủ yếu cung cấp cho các đầu mối trong khu vực và thị trường ở TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, anh dự định không mở rộng thêm diện tích, mà chỉ tập trung vào việc ương ếch giống để cung cấp cho thị trường.
Sau bao năm chịu khó, miệt mài với mô hình, bây giờ anh Đô đã xây dựng được căn nhà khang trang, chuộc lại đất đã cầm cố. Ông Mai Hoàng Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 8, cho biết: “Chi hội hiện có 20 hội viên, anh Đô cũng là thành viên trong chi hội. Hiện trong chi hội đã có 4 - 5 người nuôi ếch thương phẩm.
Sắp tới, chi hội sẽ vận động hội viên với khoảng 10 người nuôi theo mô hình này để góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Vì đầu ra của ếch thịt và ếch giống nhiều năm nay tương đối ổn định nên vấn đề tiêu thụ chưa lo ngại. Nhưng không vì thế mà chi hội phát triển đại trà, chỉ khuyến cáo và áp dụng đối với những hộ đủ điều kiện để tránh tình trạng cung vượt cầu”.
Theo ông Sơn, nghề nuôi ếch ở Vĩnh Trung đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, chưa thật sự bền vững. Người nuôi còn thiếu kỹ thuật, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, vì thế rất cần các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để mô hình mang lại hiệu quả cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước như là một hướng đi bền vững nhất trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại. Tuy nhiên, giữa việc nơi nơi đua nhau triển khai, nhân rộng, công ty nối tiếp công ty đẩy mạnh đầu tư và hàng trăm ngàn nông dân phấn khởi hưởng ứng thì nên chăng có sự nhìn nhận lại một cách tổng quan nhất về toàn bộ mô hình và sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi sản xuất để có thể phát triển, nhân rộng theo đúng định hướng. Đây cũng là việc cần làm nhằm tái cơ cấu, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu và mô hình dần đi vào quy luật… thoái trào.

Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 2.000ha mãng cầu (ta) chất lượng tốt, tập trung tại: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu. Bình quân mỗi năm, sản lượng thu hoạch gần 9.000 tấn/năm. Nếu được quy hoạch bài bản, mãng cầu sẽ là cây ăn quả đầy sức cạnh tranh của BR-VT.

Trong niên vụ cà phê 2012 - 2013, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) sẽ cung cấp miễn phí gần 300.000 cây cà phê giống cho những hộ dân muốn tái canh vườn cà phê già cỗi. Số cây này đủ tái canh cho khoảng 270 héc ta.

Cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ) bị bồi lấp, hàng loạt tàu cá phải dạt đến những cảng biển khác trong và ngoài tỉnh làm cho nhiều cơ sở chế biến hải sản đang ăn nên làm ra tại địa phương điêu đứng vì khan hiếm nguyên liệu.